Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

LỄ CHÚA THÁNH THẦN : HOA TRÁI THÁNH THẦN

Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống tôi không thể nào không lo ra chia trí khi nghe bài đọc thứ nhất trích sách Tông Đồ Công Vụ với câu kết: “họ đầy rượu rồi” (Cv 2,13). Sách bài đọc do UBPVGK cắt bỏ câu này. Không biết vì sợ bà con giáo dân nghe chướng tai hay thấy kết ở câu đó không hợp hay Sách bài đọc mới bỏ đi tôi không rõ. Tuy nhiên khi nghe đọc câu kết “họ đầy rượu rồi”, và tiếp là “Đó là Lời Chúa” thì tôi giật mình. Không biết giữa tác động của Chúa Thánh Thần và tác động của rượu có những điểm nào giống nhau mà những người lúc bấy giờ lại lầm lẫn như thế? Nào chúng ta thử xem những điểm giống nhau giữa tác động của Chúa Thánh Thần và tác động của thần men.
- Sự can đảm: khi đã có ít ly hay “y lít” vào thì dân nhậu xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Họ sẵn sàng làm những việc mà khi chưa có men chắc hẳn sẽ chần chừ hoặc không dám. Các Tông đồ sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần cũng can đảm phi thường. Các Ngài đã mở toang cánh cửa Nhà Tiệc Ly, lên mái nhà để rao giảng Tin Mừng. Các Ngài không còn nhát đảm, sợ người Do Thái như trước đây.
- Sự lợi khẩu: đúng là “tửu nhập thì ngôn xuất”. Các bợm nhậu khi đã ngà ngà thì tranh nhau nói, thậm chí cả hát hò lớn tiếng. Có người thường khi thì rụt rè, ít lời nhưng đã có chút men thì đâm ra lợi khẩu, nếu có tí máu văn nghệ thì cất tiếng ca rất chi là “bốc”. Không biết cái ông ngư phủ Phêrô bình thường có lợi khẩu đến đâu, thế mà sau khi đã nhận được Thánh Thần ta thấy Ngài quá ư xuất sắc trong việc rao giảng. Kết quả của bài giảng đầu tiên quả đáng kinh ngạc, đó là khoảng 3000 người trở lại (Cv 2,41).
- Sự hoà đồng: Khi đã ngà ngà thì sẽ chẳng còn ông gia hay chàng rể, cả hai có thể choàng vai nhau thân thiết như bạn bè, anh- tôi, chúng mình. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, ta cũng nhận ra điều này: chẳng còn Do Thái hay Hy lạp, chẳng còn nô lệ hay tự do, tất cả đều là anh em cùng một Cha trên trời.
Vẫn có đó nhiều nét tương đồng nếu nhìn bên ngoài giữa tác động của Chúa Thánh Thần và ảnh hưởng của men rượu. Tuy nhiên phải có đó điểm khác nhau để biện phân. Sau đây xin đan cử một vài nét khác nhau căn bản.
- Những biểu hiện đựợc xem là tích cực như can đảm, lợi khẩu hay hoà đồng… thì dưới tác động của men rượu, chúng sẽ chóng qua, trong khi đó nếu dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng sẽ tồn tại lâu dài. Thánh I-Nhã cũng cho ta biết một cách thế để biện phân thần loại tương tự như thế. Có những hiệu quả tốt đẹp, ngay cả sự bình an tâm hồn nhưng nếu là do Thần Dữ thì sẽ chóng qua còn do Thánh Thần tác động thì sẽ bền bĩ, lâu dài.
- Tác động của “ma men” hay của Thần Dữ luôn làm ta hướng về mình, còn tác động của Chúa Thánh Thần thì thúc giục ta hướng về ích chung. Thánh Phaolô Tông Đồ cho ta thấy điều này trong bài đọc thứ hai: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi ngươi một cách, là vì ích chung” (1Cor 12,4-7).
- “Ma men” thường khích động ta làm hay nói những sự chẳng đáng, chẳng nên. Nếu có làm được những sự khó, thì đó là liều lĩnh chứ không phải can đảm, nếu có nói nhiều thì cũng dễ thành ba hoa, khoác lác và nếu có hoà đồng thì cũng chưa chắc là hiệp nhất.
Biết biện phân để nhận ra tác động của Chúa Thánh thần không phải để thoả mãn lý trí nhưng là để :
1. Nhìn nhận sự tự do của Chúa Thánh Thần: “Như gió muốn thổi đâu thì thổi”, Chúa Thánh Thần luôn tự do trong hoạt động của Ngài (Ga 3,8). Dù chưa lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, những người ở Xêdarê cũng đã được đổ tràn Thần Khí: “Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc vì thấy Thiên Chúa cũng ban thánh thần xuống trên cả các dân ngoại nữa…(Cv 10,45 ). Không một ai được phép độc quyền Thánh Thần. Không một tổ chức nào, kể cả Hội Thánh được phép độc quyền trên Thần Khí Thiên Chúa. Chúng ta cần phải mở rộng con tim, mở rộng tầm nhìn để đón nhận hồng ân và hoa quả của Thánh Thần ngay cả nơi anh em lương dân, khác đạo.
2. Mặc dù Chúa thường ban ơn hiện sủng (grâce d’état) cho chúng ta để chúng ta chu toàn trách vụ được giao phó, tuy nhiên không phải hễ có chức hay có quyền là đương nhiên có đầy ơn Chúa Thánh Thần. Cứ xem quả thì biết cây (x.Lc 6,43-45). Chức vụ ta lãnh nhận như Giám mục, linh mục, quản xứ, bề trên… có sinh hoa trái là phục vụ ích chung hay không? Xin đừng lầm tưởng ích chung ở đây là lợi ích của một tập thể cá biệt như xứ tôi, giáo phận tôi, dòng tu tôi, đảng phái của tôi, thậm chí quốc gia tôi hay Hội Thánh tôi. Mưu cầu công ích là tìm ích lợi của hết mọi người và của con nguời toàn diện đặc biệt ưu tiên cho người nghèo, người bất hạnh, người bị áp bức… (x. Học thuyết xã hội Công giáo-Hội đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình -2004 số 165 ; 182).
3. Hãy sống “dễ dạy” với ân sủng Thánh Thần nghĩa là biết nhạy bén trước sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Tiếng gọi của Thánh Thần thường xuất phát từ những nhu cầu chính đáng và cấp thiết của những người bất hạnh, bị bỏ rơi… Các Tông Đồ, môn đệ, các Phó Tế thời Hội Thánh sơ khai đã làm gương cho ta điều này.
4. Đừng dập tắt Thần Khí, đặc biệt nơi những người nhỏ chức, bé quyền, thậm chí nơi những người trái chính kiến với ta, không theo đường hướng của ta (x.Lc 9,50). Hãy có tâm tình của Môsê khi Giosuê, con ông Nun xin ngăn cản Enđat và Mêđat vì hai ông này không vào trong Lều hội ngộ: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ” (Ds 11,29).
5. Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất. Chúa Phục Sinh ban quyền tài thẩm “tháo gỡ-cầm buộc” cho những người có trách nhiệm trong Hội Thánh là để xây dựng và gìn giữ sự hiệp nhất chứ không phải củng cố hay duy trì sự đồng nhất. Hiệp nhất giả thiết có sự khác biệt. Ai muốn duy trì sự đồng nhất thì chắc chắn không thể bảo vệ được sự hiệp nhất.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự xuống! Thánh Thần đã được trao ban. Phải chăng chúng ta nên cầu nguyện: xin cho chúng con biết mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần. Vấn đề là ở phía chúng ta.

Lm Nguyễn Văn Nghĩa- Ban Mê Thuột


Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

MỪNG CHÚA LÊN TRỜI

Cùng với Hội Thánh toàn cầu chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu lên trời. Mầu nhiệm Chúa lên trời dường như rất có ý nghĩa với anh em Chính Thống giáo qua các cử hành Phụng Vụ. Còn với Kitô hữu Công giáo chúng ta thì không mấy chú tâm mầu nhiệm này, vì hằng năm chỉ một lần được đề cập theo niên lịch Phụng vụ. Đoàn tín hữu được nghe dẫn giải về mầu nhiệm này hình như cũng chỉ một lần trong thánh lễ mừng Chúa về trời. Và cũng thật không may, nếu ở đâu đó có vị rao giảng Lời Chúa cách chính thức, gửi cho tín hữu một vài thông điệp qua loa, chiếu lệ cho xong bổn phận giảng lễ ngày Chúa Nhật. Chúa Giêsu lên trời là gì? Việc Người lên trời có liên quan gì đến chúng ta, những người đang tại thế? Xin được chia sẻ đôi dòng suy tư và cảm nhận.
Chúa Giêsu lên trời là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, không ai giữ mãi quan niệm Chúa lên trời là Chúa bay lên một nơi nào đó trên cao, trên chốn bồng lai, tiên cảnh đầy mây. Trời ở đây không phải chỉ nơi chốn nào đó theo nghĩa không gian mà là một tình trạng. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh kinh ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời nghĩa là sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một vị Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì Người đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”(Pl 2,6-7). Chúa tự nguyện bỏ đi vinh quang danh dự của Người để rồi lấy lại thì có liên quan gì đến chúng ta? Vậy chúng cần đào sâu ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời.
Ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời:
1. Chúa lên trời nghĩa là Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Đấng chúng ta tôn thờ không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời Và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa…Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Nguời thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
2. Chúa lên trời nghĩa là Người đã hoàn tất công cuộc cứu độ: “Đức Kitô đã lên cao dẫn theo một đám tù; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người lên trời nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn” (Eph 4,8-10). Con người và mọi sự mọi loài từ đây có được con đường hoàn thiên, nên viên mãn, chính nhờ Người, với Người và trong Người.


3. Chúa lên trời nghĩa là từ đây các thực tại trần thế có thể đi vào vinh quang bất diệt cùng với Đức Kitô. Khi trở về với vinh quang của một Thiên Chúa thì Đức Kitô đã làm cho các thực tại trần thế mà Người đã nhận lấy qua mầu nhiệm nhập thể, được nên hằng hữu với Người. Từ đây mọi sự, mọi loài đều có thể đi vào cõi bất diệt. Từ nay những sự bình thường và cả tầm thường ở đời này đều có thể trở nên phi thường nhờ, với và trong Đức Kitô. “Vậy thưa anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người” (Dt 10,19-20).
4. Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha để cầu bàu cho chúng ta. “Thưa anh em, Đức Kitô đã chẳng vào một cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy là hình bóng của cung thánh thật. Nhưng Người đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9,24). Giờ đây chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả trên trời, một vị Thượng Tế đã kinh qua cảnh sống của loài người chúng ta. Người hiểu và cảm thông với chúng ta trong mọi nỗi niềm của kiếp nhân sinh. Nghĩa là chúng ta đang có một đồng minh đầy uy quyền và rất đáng tin cậy.
Với những ý nghĩa của mầu nhiệm Chúa lên trời như trên, hẳn lòng Mẹ Hội Thánh khao khát đoàn con luôn có thái độ vững tin và hy vọng trong niềm hân hoan phấn khởi. Sao lại không vững tin khi mà Đấng chúng ta tôn thờ và tiếp bước chính là Thiên Chúa thật, là căn nguyên và cùng đích của mọi vật, mọi loài. Sao lại không hy vọng khi mà cửa trời đã mở ra với chúng ta, với tất cả mọi loài thụ tạo. Sao lại không phấn khởi hân hoan khi mà ta luôn có đó Đấng hiểu ta, cảm thông với ta và đang bàu chữa cho ta trước ngai tòa Thiên Chúa.
Để cho niềm tin, niềm hân hoan và hy vọng ấy được hiện thực thì không gì hơn chúng ta hãy nỗ lực làm cho các thực tại trần thế này, từ chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện con chuyện cái, chuyện nhà cửa đến xã hội quốc gia, chuyện Hội Thánh…được đi vào vĩnh cữu, bằng chính con tim của ta, một con tim đồng hình đồng dạng với Thầy chí Thánh, Giêsu Kitô. Nước Trời đã ở giữa chúng ta. Đừng có mãi mê nhìn trời nhưng hãy làm cho trái đất này và những chuyện của trần thế này mang giá trị đời đời. Và cách thế tuyệt vời là hãy sống và hoạt động, nghĩa là làm mọi sự đều nhân danh Giêsu nghĩa là cứu nhân độ thế.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

Bài đăng xem nhiều nhất :