Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Chúa Nhật XXIII TN A : TA SẼ ĐÒI NGƯƠI ĐỀN NỢ MÁU NÓ

Tin Mừng Thánh Matthêu chương 18 tập chú vào chủ đề đời sống đoàn. Thoặt nghe bài Tin Mừng Mt 18,15-20 với những lời căn dặn của Đấng Cứu Thế về việc sửa bảo anh em, chúng ta dễ liên tưởng đến việc cần có thái độ tế nhị tôn trọng anh em trong khi sửa bảo nhau. Điều này thì không ai chối cãi. Yêu thương và tôn trọng là hai động thái tất yếu phải đi sóng đôi. Tuy nhiên, qua những lời dạy của Thầy Chí Thánh, chúng ta còn phải lưu ý đến tính triệt để của việc sửa sai, dạy bảo nhau. Nghĩa là khi thấy anh em, thấy tha nhân sai lỗi thì cần phải tích cực sửa bảo nhau cách triệt để, tức là cho đến cùng.
Số phận của tha nhân cũng là số phận của chính ta:
Ngôn sứ Êdêkiel đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: “Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 33,8). Không ai được phép vào Nước Trời một mình. Thiên Chúa không phải là Cha của mình tôi. Người là Cha của “chúng ta”, của mọi người (x.Kinh Lạy Cha). Thái độ dửng dưng, kiểu sống mặc kệ nó, là kiểu sống, là thái độ không xứng với người con cái Chúa.
Người ta có thể không ghét bỏ tha nhân, không tìm cách mưu hại tha nhân, thế nhưng chính khi không màng đến số phận của tha nhân cũng là khi ta góp phần hãm hại tha nhân cách gián tiếp. Đã nhiều lần Chúa Kitô nhấn mạnh chân lý này khi Người trách cứ tấm lòng dửng dưng của những luật sĩ biệt phái trước bao nổi khổ của đồng loại. Thấy anh em đang sai lỗi cũng như thấy anh em đang đứng bên bờ vực thẳm mà ta không lên tiếng cảnh báo hay sửa sai thì chính ta đã vô tình, đúng hơn là đã vô tâm để người anh em rơi xuống vực. Không cứu người theo khả năng và hoàn cảnh của mình là đã giết người. Dưới cái nhìn này chúng ta mới hiểu những lời đanh thép của Thiên Chúa qua miệng Ngôn sứ Êdêkiel ở trên: “Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó”.
Khi vạch rõ lộ trình sửa bảo anh em, bắt đầu từ hình thức cá nhân đến cộng đoàn, thì ngoài việc tôn trọng phẩm giá, danh dự người có lỗi, Chúa Kitô đã minh nhiên dạy ta tích cực sửa bảo người anh em cho đến cùng. Khi người anh em lỗi phạm không nghe cộng đoàn thì hãy xem họ như người ngoại giáo hay người thu thuế thì vẫn không là buông xuôi mà là trao phó cho Chúa, Đấng không có sự gì là không thể (x.Mt 19,26). Ngay cả khi trao phó người anh em lỗi phạm cho Chúa thì ta vẫn còn đó bổn phận góp phần bằng lời cầu nguyện. Để làm rõ hiệu quả của lời cầu, thì liền sau đó Chúa Kitô đã khẳng định: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Chúng ta cần phân biệt các hành vi sai trái mang tính cá nhân và hậu quả của hành vi lỗi phạm thì hạn chế với những sai lầm mang tính tập thể và hậu quả di hại cho xã hội là rộng lớn hoặc hành vi lỗi phạm của cá nhân trở thành gương xấu gương mù cho xã hội, cho những kẻ bé mọn. Cung cách hành xử của Chúa Kitô thật rõ ràng. Nguời từ tâm, nhân hậu với những trường hợp đầu mà trái lại rất thẳng thắn và cương quyết với những trường hợp sau. Người tỏ lòng nhân hậu với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình. Người thật khoan dung với sự yếu hèn của Phêrô khi chối Người, nhưng Người lại nghiêm khắc trước sự sai trái cũng của chính Phêrô khi ông ngăn cản Người lên Giêrusalem để thực thi công trình cứu độ bằng sự khổ nạn. Và với nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo hay các bậc vị vọng thời bấy giờ là Biệt Phái, Luật sĩ…thì thái độ của Chúa Kitô là rất thẳng thừng và cương quyết. Tuy nhiên dù cương quyết hay nhân hậu, dù nghiêm khắc hay dịu dàng thì các hành vi của Chúa Kitô đều ắp đầy lòng xót thương. Đến trần gian, một sứ mạng của Đức Kitô là mạc khải cho nhân trần chân dung của Thiên Chúa, Đấng từ bi và hay thương xót, Đấng không muốn bất cứ một ai phải hư mất.
Đức ái là động lực, là hình thức và là mục đích của việc sửa sai nhau:
Chúng ta dễ dàng chân nhận sự cần thiết của việc sửa bảo nhau. Tuy nhiên cần biết sửa bảo nhau vì yêu thương nhau, muốn cho nhau đổi thay và nên tốt lành, thánh thiện hơn, bằng những hình thức, những phương thế chính đáng và phải đạo. Làm sao minh chứng được động cơ và mục đích của việc ta sửa bảo nhau là vì yêu thương nhau? Quả là khó khi thẩm định những gì thuộc chiều sâu của tâm hồn. Với lời mạc khải, qua tấm gương của các ngôn sứ, đặc biệt của Chúa Kitô chúng ta có thể xác định rằng đức ái chính là động cơ và mục đích của việc sửa bảo nhau dựa vào một vài dấu chỉ sau:
- Có nhổ thì có trồng; có phá thì có xây: Ta không chỉ nói lên cái sai trái, sự lầm lỗi của nhau mà ta còn vạch ra cách thế sửa đổi, còn đề xuất phương hướng khắc phục cho nhau.
- Sẵn sàng đón nhận những sự hiểu lầm, những nghịch cảnh và cả những ngược đãi khi ta chân thành sửa bảo nhau bằng lòng khoan dung, tha thứ.
“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tình yêu” (Rm 13,8). Đã mắc nợ là phải trả. Một trong những món nợ tình yêu chúng ta cần phải trả liên lĩ đó là món nợ liên đới trong lỗi phạm của nhau. Để trả món nợ này, chúng ta không chỉ can đảm đón nhận các hậu quả do tội lỗi của nhau mà còn phải tích cực sửa bảo nhau trong đức ái. Nếu ngươi không sửa bảo kẻ có tội thì “Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” là một lời cảnh báo thật đáng sợ. Tuy nhiên để cho việc sửa bảo nhau đạt kết quả thì chúng ta đừng quên rằng ngoài việc cầu xin ơn Chúa soi sáng, nâng đỡ, thì bản thân chúng ta trước hết cần làm thanh sạch bản thân mình một cách nào đó. Vì khi đã lấy cái xà ra khỏi mắt mình thì mình mới thấy rõ và biết cách lấy cái rác ra khỏi mắt anh em (x.Mt 7,1-5). Xin đừng viện cớ rằng tôi chưa hoàn thiện, nghĩa là vẫn còn vương nhiều lầm lỗi, nên tôi không được phép sửa bảo ai. Ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta thảy đều là tội nhân, mức này, mức kia. Hãy nhớ lời dạy của thánh Giacôbê : “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.”(Gc 5,19-20)

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chúa Nhật XX TN A : NHỮNG ÂN TÌNH ĐỜI THƯỜNG

Phải vào đạo Công giáo mới được được lên thiên đàng sao? Vâng, đúng thế. Một thừa sai cách đây khoảng 300 năm không chỉ xác quyết như trên mà còn nói thêm rằng mọi người không vào đạo Công giáo đều xuống hỏa ngục. Một bà thuộc hàng vương tộc nước Việt chúng ta, người đặt câu hỏi trên đây đã nhất quyết không vào đạo Công giáo vì một chức sắc của đạo ấy quả quyết tiên tổ của bà đều xuống hỏa ngục tất tần tật. Và chính bà ta đã thẳng tay đuổi vị thừa sai ra khỏi nhà.
Cần khiêm tốn thú nhận rằng đã một thời Kitô hữu chúng ta tự nhốt mình trong tháp ngà tự kiêu chủ quan: Chỉ có đạo ta mới là đạo thật, chỉ có chúng ta mới nắm trọn chân lý, ngoài đạo ta, anh em lương dân, bà con khác đạo đều là sai lạc sạch sành sanh và không thể được cứu rỗi.
Thử hỏi chân lý ta có được do bởi đâu, phải chăng là nhờ sự truy tìm của trí khôn? Không loại trừ sự góp phần của lý trí, nhưng nguyên lý trí vẫn chưa đủ. Chân lý ta thủ đắc là nhờ lòng tin dựa vào sự mạc khải của Thiên Chúa. Đức tin là ân sủng nhưng không do Chúa ban tặng. Thiên Chúa lại là Đấng giàu lòng từ bi, nhân ái. Người muốn mọi người nhận biết chân lý để được cứu rỗi. Thánh Tông đồ dân ngoại khẳng định sự thật này với môn đệ Timôtê (x.Tim 2,3-4). Thiên Chúa, Đấng chẳng nể vì hay tây vị một ai, Đấng rộng tay cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, Đấng làm cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn kẻ bất lương, chắn chắn Người chẳng hẹp hòi với bất cứ ai. Tiên tri Isaia công bố rằng mọi người sẽ được Chúa dẫn lên Núi thánh, cho họ hân hoan bước vào Nhà cầu nguyện, vì Nhà Chúa là nhà cầu nguyện của muôn dân nước (x.Is 56,6-7).
Đức tin là do Chúa ban tặng. Thế nhưng đức tin không phải là một món quà cụ thể được trao ban một lần tức thời, nhưng thường là dần dần qua những điều kiện tự nhiên khách quan lẫn chủ quan. Một trong những điều kiện tự nhiên ấy chính là những mối tình chân chính bình thường của kiếp người: Tình phụ tử, mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu… Một người mẹ, một phụ nữ xứ Canaan, một lương dân hay ngoại giáo đã bày tỏ niềm tin sắt đá khiến Chúa Giêsu phải khâm phục. Đấng Thiên sai cũng đã từng khâm phục lòng tin của một viên sĩ quan bách quản đến nỗi Người khẳng định rằng chưa thấy có lòng tin nào mạnh mẽ như thế trong Israel (x.Mt 8,10).
Viên sĩ quan bách quản và người mẹ xứ Canaan trên đã sớm chân nhận căn tính Thiên Sai của Chúa Giêsu chăng? Điều này chúng ta không thể trả lời cách chắc chắn. Nhưng một điều thật hiển nhiên ta có thể khẳng định, đó là tấm lòng của người phụ nữ ngoại giáo dành cho đứa con và tấm lòng của viên sĩ quan bách quản dành cho người đầy tớ thật sâu đậm và dạt dào. Vì thương con, chị phụ nữ kiên trì lẽo đẽo theo chân Thầy Giêsu. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua chướng ngại của sự tự ái, đồng thời bày tỏ sự khiêm nhu: “Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống” (Mt 15,27). Vì thương người đầy tớ, viên sĩ quan bách quản không ngại ngần đến gặp Chúa Giêsu, một người Do Thái vốn là dân đang bị cai trị, đồng thời lại bày tỏ sự khiêm nhu: “ Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi…” (Mt 8,8).
Theo tiến trình tự nhiên, thì không phải nhờ đã có lòng tin nên ta biết yêu, mà ngược lại nhờ biết yêu thương thì lòng tin của ta dần dà nên vững mạnh. Chúng ta dễ nhận ra hiện thực này qua tương quan đôi lứa. Vì yêu nhau nên đôi bạn trẻ ngày càng tin tưởng nhau hơn là vì đã tin tưởng nhau nên họ yêu nhau. Như thế niềm tin thường khởi đi từ trái tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sử Hội Thánh minh chứng rằng người ta đến với đức tin thường là do cảm nhận một mối tình, một nghĩa cử nào đó hơn là do “bị thua lý”. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một Kitô hữu ngã nghiêng, chao đảo hay khô cằn, thì lý do thường thấy là vì đời sống luân lý sa sút hơn là do thiếu hiểu biết, mặc dù ta không thể loại trừ hay giảm nhẹ vai trò của lý trí trong việc gìn giữ và củng cố đức tin.
Trong thời gian rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu thường bày tỏ tình yêu của Người qua việc thi ân giáng phúc rồi sau đó mời gọi người ta tin vào Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi no đủ gần cả vạn người cũng như nhiều phép lạ khác như chữa lành người mù từ thưở mới sinh… là một minh chứng (x.Ga 6,35; 9,35). Ngay đêm Tiệc lý, sau khi cử hành “Lễ tạ ơn” và rửa chân cho các môn đệ Chúa Giêsu tha thiết: “Anh em hãy tin vào Thầy…” (Ga 14,1).
Là những người đã lãnh nhận hồng ân đức tin và được xem là người có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin của mình bằng chính những nghĩa cử bác ái yêu thương. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Khi khẳng định chân lý này thánh Giacôbê tông đồ trước tiên muốn nói đến hành vi bác ái mà Kitô hữu cần thường xuyên thực thi. Vì trước đó Ngài nói: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không có đủ của ăn hằng ngày mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ cần, thì nào có ích lợi gì?” ( Gc 2,15-16 ).
Một sứ vụ gắn liền với căn tính của Kitô hữu, đó là rao giảng tin mừng, là chia sẻ niềm tin mình đã lãnh nhận. Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng truyền giáo, tuy nhiên cách thế xem ra thiết thực nhất, để khởi đầu việc gieo hạt giống đức tin đó là rộng tay chia sẻ tấm lòng của mình qua các mối tình nhân loại chính đáng và phải đạo. Dĩ nhiên không phải dùng của cải vật chất như chiêu bài để câu tín hữu như đã có một thời với “chuyện đạo gạo, đạo bộp bắp, bột xép…”, nhưng phải phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật.
Biết yêu thương, dù với những nghĩa cử thường tình của tình nhân loại, thì niềm tin sẽ được củng cố. Được yêu thương thì niềm tin sẽ được gợi mở và dệt xây. Thiên Chúa sẵn sàng đón nhận những ân tình bình thường của ta để tuôn ban ân sủng đức tin. Có đức tin thì sẽ có sự sống đời đời. Xin đừng quên lời cảnh báo của Thầy chí thánh: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến cùng dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac va Giacop trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng (Mt 8,11-12).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chúa Nhật XIX TN A : CÓ DỪNG CHÂN NHƯNG KHÔNG ĐỨNG LẠI

Là Kitô hữu, chúng ta thường nghe cụm từ “hành trình đức tin”. Tin là một quá trình bước đi không ngừng, tiến mãi về phía trước để gặp Đấng vô hình. Thỉnh thoảng có dừng chân nhưng không bao giờ đứng lại.
Sau khi hỉ hoan về phép lạ cả thể mà Thầy đã thực thi cho gần vạn người no nê, các tông đồ lại phải chưng hửng lần nữa vì lệnh của Thầy: Hãy lên đường! Hãy xuống thuyền mà qua bờ bên kia! Cám dỗ dừng chân đứng lại và nghỉ ngơi trên thành công, trên chiến thắng vẫn luôn có đó với phận người. Sau khi khánh thành một công trình hoành tráng, sau khi hoàn thành một cuộc lễ hay một cuộc tổ chức lớn bé, thì dừng chân, ngồi lại để lượng giá, kiểm thảo để rút kinh nghiệm là điều cần thiết, nhưng để đứng lại chiêm ngắm vinh quang là một cám dỗ triền miên và thật khó lường hậu quả. Ròng rã hơn mười mấy năm trong vai trò thầy giúp xứ cũng như hơn mười mấy năm đời linh mục, bản thân nghiệm thấy chính mình và các đấng khi xây dựng một công trình nào đó thì chuyện hay đi lui đi tới ngắm nghía công trình là chuyện như cơm bữa. Ai lại không thích ngắm nghía vinh quang của mình. Ai lại không thích nghe người ta trầm trồ về cái gọi là thành công của mình. Hễ có khách đến thăm thì phải tìm dịp giới thiệu cho được những gì mình đã “ra tay”.
Các tông đồ năm xưa chẳng hơn gì chúng ta hôm nay. Dù chỉ là những người giúp phân phát bánh – cá, nhưng các ngài làm như chính tay mình thực thi kỳ công “phép lạ hóa bánh”. Theo Tin mừng thánh Gioan thì việc người dân muốn tôn Chúa Giêsu làm vua có thể là do dân chúng tự phát nhưng rất có thể là do sự gợi ý có chủ đích của nhóm mười hai vị rất tham “ngồi bên hữu, bên tả Thầy trong vinh quang” (x.Mc 10,35-40). Đêm đã về. Dân chúng đã no nê. Chúng mình cũng đáng được hả hê nghe bao lời chúc tụng chứ. Chuyện bất ngờ đã đến, dù không ai thích thú chút nào. Thầy ra lệnh tất cả xuống thuyền ngay. Còn Người thì giải tán dân chúng và lên núi cầu nguyện một mình.
Bỏ vinh quang, bỏ thành công rực rỡ để ra đi là một điều không dễ chút nào. Cảnh đời phía trước mịt mùng khó tiên liệu và sóng gió ba đào là chuyện dường như khó tránh. Các tông đồ hôm ấy đã phải đương đầu với hiện thực ấy. Sóng thì to, gió thì lớn. Thuyền đang chơi vơi nghiêng ngã. Lòng các ngài cũng ngã nghiêng theo gờ cạnh con thuyền. Tâm trạng của tiên tri Êlia năm nào cũng không khác gì. Sau chiến tích oanh liệt hạ gục những 450 sư sãi thần Baal, Êlia đã phải trốn chạy khỏi sự truy đuổi, tìm diệt của hoàng hậu Giêdabel. Sau vinh quang thì tai họa liền kề.
“Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chẳng có sự dứt bỏ nào mà chẳng có xót xa hay đau đớn, nhất là phải từ bỏ những thành công huy hoàng hay những hạnh phúc êm ả, cho dù chúng là hữu hạn của đời thường. Hạnh phúc đích thực vẫn ở phía trước. Đó là Thiên Chúa, Đấng không chỉ chờ đợi mà đang tiến tới để đón gặp chúng ta.
Tin là bước đi, là ra đi, tiến về phía trước, về nơi chưa hề biết như Abraham ngày nào. Bỏ quê hương, xứ sở, bỏ cả gia tộc thân yêu để lên đường. Xót dạ khi ra đi và bâng khuâng khi tiến về phía trước. Nào là sóng gió cuộc đời, nào là phong ba tình người, tất thảy như đang chờ đợi để dập vùi, đánh đắm con thuyền đời ta. Một Phaolô hết lòng hết dạ với người đồng hương Do Thái, ngài đã khẳng định: “Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và lìa xa Đức Kitô, thì tôi cũng cam lòng” (Rm 9,3). Hiểu cho đúng thì Phaolô không quay lưng với tôn giáo tổ tiên mà tiến lên một tầm cao mới trong hành trình đức tin khi đã được diện kiến Đức Kitô phục sinh, Đấng Thiên Sai mà tổ tiên ông hằng mong đợi, thế mà ngài vẫn mãi bị người đồng hương xem là phản đạo, bội giáo, bỏ đạo để rồi luôn tìm cách bắt giết. Một khi đã ra đi, tiến về phía trước thì cái giá cần trả không chỉ là gian nguy, khốn khó mà cả sự lo âu, phiền muộn. Ngài thú nhận: “Thưa anh em, có Đức Kitô chứng giám, tôi xin nói sự thật. tôi không nói dối, và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn cũng làm chứng cho tôi rằng: lòng tôi rất đổi ưu phiền, và đau khổ mãi không ngơi” (Rm 9,1-2).
Với Êlia, với Phaolô hay với các tông đồ khi ở trên thuyền chòng chành giữa biển đầy sóng gió, Thiên Chúa không bao giờ để các ngài cô đơn một mình. Người hằng ở với họ. Người luôn đồng hành với họ. “Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27). “Ơn Ta đủ cho con” (2Cor 12,9). “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Gio 14,18). Dù giữa biển khơi hay giữa đêm tối của cuộc đời, Đấng làm người mãi ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20). Chỉ một điều là hãy nhắm đích và tiến thẳng trong niềm tin.
Thỉnh thoảng cũng nên biết dừng chân để tự kiểm để định hướng hay chỉnh hướng, nhưng không được phép đứng lại. Đứng lại là một trong những thái độ tự hài lòng về thành công của chính mình. Từ chỗ hài lòng đến chỗ tự cao tự đại là một khoảng cách không mấy xa. Và hậu quả của sự tự kiêu, tự mãn như đã nhãn tiền. Chưa tính đến chuyện Chúa hạ kẻ tự kiêu và nâng cao người phận nhỏ (x.Lc 1,52), thì chính kẻ cao ngạo, họ đã tự đặt mình vào vị thế cheo leo và sẽ ngã chìm không biết lúc nào như Phêrô trong lần được Thầy ban cho cái ơn đi trên mặt biển (x.Mt 14,22-33).
Đứng lại cũng là một hành vi tỏ dấu sự nghi ngờ. Khi thiếu niềm tin hay khi lòng tin yếu kém thì ta rất dễ bị cám dỗ dừng lại, không can đảm tiến lên. Những cái sợ như sợ khó, ngại khổ, sợ thất bại…nhiều khi nhấn chìm chúng ta trong các trở ngại khách quan vốn dĩ không thể tránh của kiếp người.
Không ai là không một lần gặp chông gai, sóng gió. Không ai là không đã từng nhiều lần ngã quỵ vì gian truân, khốn khó. Chuyện ngã, chuyện té là chuyện bình thường của phận người. Điều quan trọng là biết chỗi dậy và tiến lên. Trong niềm tin vào tình yêu của Đấng đã tự nguyện làm bạn đời của ta là Đức Giêsu, ước gì chúng ta được như thánh tông đồ dân ngoại là “quên đi những gì phía sau để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

CN XVIII TN A : CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN

“Thưa Thầy, nơi đây hoang vắng, và đã quá chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mà mua lấy thức ăn”(Mt 14,15). Biện pháp thật đơn giản. Giải tán – Khỏe. Luận lý có vẻ khoa học và hợp lý: Đừng có bao cấp. Hãy thực thi tiến trình xã hội hóa. Việc ai nấy lo. Thân ai nấy giữ. Mỗi người một tay thì việc gì cũng chạy thông suốt. Tuy nhiên, đằng sau cái lý luận mang tính thực tiển ấy thì có ẩn giấu sự chút gì vị kỷ không thể chối cãi.

Tưởng rằng sáng kiến hữu lý của mình sẽ được chấp nhận, thế nhưng các tông đồ đã phải chưng hửng trước mệnh lệnh của Thầy chí thánh: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy liệu cho họ ăn.”(Mt 14,16). Lo liệu cho đám đông gần cả vạn người này ăn ư? Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá. Mười hai thanh niên trai tráng chúng con, cộng với Thầy thì chắc gì đủ lót dạ qua đêm. Vẫn biết Thầy thường dạy chúng con sống yêu thương. Nhưng nhiều lúc đành phải chấp nhận cảnh tình “lực bất tòng tâm”.

Lực bất tòng tâm. Một chiêu thức, đúng hơn, đó là một kiểu cách biện luận để thoái thác trách nhiệm sống yêu thương. Chúa ơi, lòng con cũng muốn sống quảng đại, nhưng điều kiện vật chất còn quá hạn chế. Chúng con rất muốn nhiệt thành dấn thân phục vụ, nhưng hoàn cảnh kinh tế lại đầy khó khăn. Xin Chúa thông cảm. Những luận điệu không khác gì các tông đồ xưa vẫn có đó giữa chúng ta đó là những luận điệu của những con tim cằn khô, không vắt được một giọt ân tình nhân ái, xót thương.

May mắn thay, dù cho đầy sự hẹp hòi và vị kỷ, thì lòng các môn đệ năm xưa vẫn còn chút nể vì, vâng phục Thầy chí thánh. Khi được lệnh mang bánh, cá đến, các ngài đã vâng lệnh. Hôm ấy các tông đồ hẳn bất ngờ trước một dấu lạ vĩ đại đã xảy ra. Với cử chỉ chiếu lệ, nể vì cho qua chuyện khi đem bánh, cá đến cho Thầy thì Thầy đã hết tình đón nhận, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông đem phân phát cho dân chúng. Quyền năng từ trái tim đầy tràn tình yêu đã tỏ hiện. Tình yêu quyền năng của Thiên Chúa đã biến đổi hành vi bình thường, nhỏ bé của con người nên điều diệu kỳ. Với Thiên Chúa, không có sự gì là không thể. Tất cả đều ăn no và còn dư những mười hai thúng đầy bánh vụn.

Thiên Chúa là thế. Người chẳng hề câu nệ chuyện lớn bé. Miễn có cơ hội là Người chộp lấy để rộng tay ban phát ân tình, một sự thi ân không hề tính toán. “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn sàng. Dù không có tiền bạc,cứ đến mà mua mà dùng, đến mua rượu và sữa, không phải trả đồng nào… Hãy chăm chú nghe Ta, rồi các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai, và đến với Ta thì các ngươi sẽ được sống”(Is 55,1-3). Những lời Tiên tri Isaia nói thay Thiên Chúa thật đáng phấn khởi và tràn trề hy vọng cho chúng ta.

Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Người rộng tay ban phát ân huệ cho muôn người thỏa thuê. Một chân lý xem ra khá dễ tin nhận. Tuy nhiên, bên cạnh hồng ân luôn kèm theo sứ mệnh. “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Mệnh lệnh này ban ra cho hàng giáo sĩ hay cho hàng tín hữu giáo dân? Chắc hẳn là cho tất cả những ai đã đón nhận hồng ân. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy trao ban nhưng không” (Mt 10,8). Vấn đề đặt ra là chúng ta cần cho tha nhân ăn những gì?

Có thể có người viện cớ là tôi chỉ lo mặt tinh thần nên chỉ có bổn phận lo cho người ta ăn Lời Chúa. Lại có người chủ trương là cần phải lo cho tha nhân đủ đầy lương thực đời này trước đã vì “có thực mới vực được đạo”. Đã có chút lương tri và niềm tin, hẳn không một ai cạn tình, vô tâm, hành xử kiểu “giải tán – khỏe”. Tuy nhiên vẫn có đó sự né tránh hoặc thoái thác trách nhiệm khi ta chưa chu toàn mệnh lệnh của Thầy năm xưa. “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” ( Mt 4,11 ). Và ta cũng có thể nói ngược lại rằng người ta sống không nguyên bởi các món ăn tinh thần mà còn cần đến cả cơm bánh.

Cần phải biết chuyên biệt hóa, cần có sự phân công, phân nhiệm. Kẻ lo tinh thần, người lo vật chất. Một kiểu lý luận rất khoa học, nhưng dường như vẫn thiếu tình người cách nào đó. Khi sai các tông đồ, các môn đệ đi thực tập truyền giáo, Chúa Giêsu thường truyền dạy các ngài thực hiện các công việc là rao giảng tin mừng, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ (x.Mt 10,1; Mc 6,13; Lc 10,1-11).

Hết lý do bào chữa thì ta cũng có thể nại đến sự hạn chế của khả năng. Nếu lo cho người ta ăn cả lương thực tinh thần lẫn vật chất thì làm sao lo cho xuể. Và vấn đề lại trở về với tâm trạng các tông đồ năm xưa. Vấn đề ấy không hệ tại ở khả năng nhưng là ở tấm lòng của ta. Lòng ta có băn khoăn, có thao thức trước cảnh tình đói khổ, nghèo túng, bị áp bức, bị lầm lạc hay đang đói khát chân lý không? Con tim của ta có cùng nhịp đập với các Nghị Phụ Công đồng Vatican II chăng? Đó là: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (MV số 1). Hơn nữa, lòng chúng ta có được chút niềm tin nào vào quyền năng của Đấng đầy lòng thương xót?

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chúa Nhật XVII TN A : ĐỂ ĐƯỢC KHÔN NGOAN

Theo truyền thống Kitô giáo, dựa vào sách tiên tri Isaia 11,1-2, thì một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần và cũng là ơn đầu tiên đó là ơn khôn ngoan. Để trình bày sự phát triển cách sung mãn của Đấng Cứu độ, thánh sử Luca ghi: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Khôn ngoan là một trong những nhân đức đáng kính, đáng trọng, vì người khôn ngoan là người biết hành xử như là tạo vật trỗi vượt trên các loài tạo vật hữu hình.
Khôn ngoan là nhân đức giúp ta biết phân biệt phải trái, đúng sai, tốt xấu, thiệt hơn… Người khôn ngoan còn biết phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là hệ quả, cái gì là bản chất, cái gì là hiện tượng, điều gì là nhất thời, chóng qua và điều gì là vạn đại thường tồn … Salômon, một vị vua nổi danh là khôn ngoan khó có ai bì vì ngài đã biết xin Thiên Chúa ơn ấy, khi kế nghiệp vương đế của vua cha. “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”. Điều Salômon xin làm đẹp lòng Thiên Chúa nên Người đã “ban cho ông một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ông, chẳng một ai sánh bằng, và sau ông, cũng chẳng có ai bì kịp” (1V 3, 12).
Người khôn ngoan là người không chỉ biết phân biệt mà còn biết chọn lựa. Dĩ nhiên đã là khôn ngoan thì phải biết chọn điều tốt thay vì điều xấu, chọn điều đúng thay vì điều sai, chọn cái tốt hơn thay vì cái tốt kém…Không một sự chọn lựa nào mà không phải trả giá. Đã chọn điều này thì phải chấp nhận bỏ điều kia. Câu ngạn ngữ “chọn lựa là hy sinh” một cách nào đó diễn tả quy luật này.
Qua hai dụ ngôn về Nước Trời như kho báu chôn giấu trong ruộng, như viên ngọc quý mà Chúa Giêsu kể thì người phát hiện đều sẵn sàng “bán đi tất cả những gì mình có” để mua cho được thuở ruộng hay mua cho được viên ngọc quý. Bán đi một để được lợi gấp trăm, gấp nghìn lần là chuyện khỏi phải bàn, nếu ta có chút trí khôn suy xét hay có chút khôn ngoan để phân biệt. Những lợi lộc trần thế này thì hầu như ai cũng có thể cảm nhận vì nó cụ thể và thực tế trước mắt. Còn hạnh phúc Nước Trời thì sao đây? Làm sao ta có thể được như thánh Phaolô tông đồ là “chấp nhận mọi thua thiệt trước một mối lợi to lớn là được biết Chúa Kitô?” “Chúa là gia nghiệp của con, vì ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc”. Đây là một sự thật mà ta chỉ có thể nhận biết nhờ đức tin.
TIN LÀ MỘT CÁCH THẾ KHÔN NGOAN
Để được khôn ngoan đích thực thì cần phải có đức tin. Có thể nói theo phương diện hiểu biết, thì tin là nhìn nhận mọi sự theo cái nhìn của Thiên Chúa. Dù rằng đức tin trước hết là ơn Chúa ban. Tuy nhiên phần phía con người cũng cần có sự đáp trả. Có nhiều cách thế đáp trả trước ân ban của Thiên Chúa, nhưng một trong những cách thế gần gủi và thiết thực đó là tiếp cận với Lời Chúa qua Thánh Kinh. Càng đọc Thánh Kinh, càng nghiền ngẫm và gẫm suy Kinh Thánh thì ta càng có cái nhìn như Chúa nhìn, càng có lối nghĩ suy như Chúa suy nghĩ, càng có tâm tình như tấm lòng của Thiên Chúa.
Lời đáp ca mà Hội Thánh dọn cho ta trong Thánh lễ Chúa Nhật này như là thái độ cần có của Kitô hữu để được khôn ngoan đích thực. “Luật pháp Ngài, Lạy Chúa, con yêu chuộng biết bao. Con coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu. Vì luật Chúa làm con vui sướng thỏa thuê. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay. Giải thích Lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu”.
Cần biết liều một chút: Dẫu sao đi nữa, đã nói là tin thì chọn điều mà mắt không hề thấy, đúng hơn là chưa thấy rõ tận tường, đo đó cần có một chút liều. Yếu tố liều là yếu tố không thể thiếu trong niềm tin. Tuy nhiên cái sự liều của chúng ta không là vô căn cớ hay là phi lý. Pascal, một tư tuởng gia lỗi lạc đã làm một thách đố với người không tin và ông đã chỉ ra kết quả là người tin chỉ có hòa và thắng chứ không hề thua. “Tôi tin có Chúa và nhận Người làm gia nghiệp, còn anh không tin. Nếu không có Người thì tôi và anh, kẻ tin, người không tin, vẫn hòa nhau, còn nếu thực sự có Người hiện hữu thì tôi lãi lớn”. Cái sự được gọi là cá cược của Pascal tuy có vẻ hấp dẫn nhưng vẫn chưa mang tính thuyết phục, vì vẫn chưa làm nổi bật sự cao trọng và quý giá của Nước Trời. Để có thể cảm nhận hay nói theo ngôn từ nhà Phật là ngộ ra sự vô giá của hạnh phúc Nước Trời, thiết tưởng chúng ta cần noi gương vua Salômon: Xin cho con có được một tâm hồn biết lắng nghe.
BIẾT LẮNG NGHE : MỘT THÁI ĐỘ TẤT YẾU CỦA NGƯỜI TIN
Về mặt tiêu cực: nhận ra sự hữu hạn và chóng qua của những điều được cho là tốt là đẹp ở đời này. Với một tâm hồn biết lắng nghe tức là biết thức tỉnh thì ta sẽ có thể nhận ra sự mong manh, bất toàn của các thiện hảo đời này. Sắc đẹp không qua khỏi làn da và cũng chẳng thoát được sự tàn phá của thời gian. Tiền bạc có thể mua được người tình mà chẳng có thể mua được tình yêu, có thể mua được thuốc tốt nhưng chẳng thể mua được sức khỏe, có thể mua được chiếc giường son, chăn ấm mà không thể mua được giấc ngủ ngon…Hơn nữa, không ai có thể mang của tiền theo mình xuống nấm mộ. Danh vọng hay quyền lực có thể làm cho cái tôi của mình phình rộng ra nhưng không thể làm cho nhân cách của mình lớn lên. Quyền cao chức trọng thì có thể sai bảo được nhiều người nhưng rồi chính bản thân lại không thể tự mình đi xuống huyệt lạnh. Phù vân trên mọi phù vân, tất cả đều là phù vân.
Về mặt tích cực: nhận ra sự vô biên, hằng hữu, tuyệt hảo của Đấng dựng nên ta từ hư vô. Với một tâm hồn biết lắng nghe, đặc biệt bằng sự cầu nguyện, ta sẽ nhận ra rằng ta không tự mua lấy sự sống đời này. Không một phải trả một cái giá nào để làm người, để chào đời. Không một ai chọn cho mình hoàn cảnh làm người, môi trường chào đời, thời gian lịch sử làm người… Nhờ sự cầu nguyện, nhờ kết hiệp với Đấng là căn nguyên và cứu cánh đời ta thì ta sẽ cảm nghiệm và nhận ra đâu là hạnh phúc vĩnh cửu.
Các nhà thông thái, các triết gia rất có khả năng nhận ra tính phù du của tạo vật bằng sự phản tỉnh, nhưng chính các bậc thánh nhân mới là những người khám phá kho tàng vô giá của Nước Trời bằng đời sống cầu nguyện. Khi sinh thời Chúa Giêsu thường khuyên dạy các môn sinh và dân chúng là hãy biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn (x.Mt 26,41).
Sự khôn ngoan không phải là nhân đức ta có được một lần cho cả đời nhưng là nhân đức ta cần chuyên chăm đón nhận và tập luyện cả đời. Khôn ba năm mà có thể khờ dại vỏn vẹn trong một giờ. Cuộc đời của vua Salômon là một đan cử điển hình. Về cuối đời vua Salômon đã chiều theo các bà vợ mà đánh mất sự khôn ngoan của một thời. Để được khôn ngoan, để biết chọn điều tốt nhất với bất cứ giá nào, cho dù phải bán đi tất cả những gì mình có, chắc chắn cần có niềm tin, một niềm tin dựa trên nền tảng Lời Chúa cùng với sự chuyên chăm tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ, không ngừng.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bài đăng xem nhiều nhất :