Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Chúa Nhật V PS A : VƯỢT QUA NỖI XAO XUYẾN

“Anh em đừng xao xuyến!”. Chúng ta dễ nhận ra tình trạng tâm hồn xao xuyến là tình trạng bị xáo trộn, bất an. Có thể nói rằng nhân loại trên thế giới xưa lẫn nay ít có giai đoạn yên ổn, bình an lâu dài. Xét riêng đời sống cá nhân, cần phải thú nhận rằng khi thời thơ ấu kết thúc thì chuỗi ngày yên bình dường như cũng chấm dứt. Ngay cả các bậc vĩ nhân, các bậc thánh hiền, để đạt được tình trạng bình an, siêu thoát cũng phải cần một nỗ lực liên lĩ và một quảng thời gian nào đó. Cuộc đời quả có nhiều nguyên nhân làm phát sinh sự bất ổn, gây nên tình trạng xao xuyến cho chúng ta.
Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng bất an, xao xuyến như chiến tranh, tai ương, dịch bệnh, lỡ lầm, thất bại, bị hiểu lầm, bị bách hại, bị bỏ rơi…mà tựu chung đó là tình trạng đã hoặc sắp sửa mất một thiện hảo nào đó mà chúng ta vốn hằng khao khát. Thi rớt tú tài, không biết vào đời làm sao đây? Bề trên quyết định không cho khấn, không biết đường tu của mình thế nào? Người tình bỏ rơi ta, bầu trời như xám lại! Nợ nần chồng chất mà còn bị thất nghiệp thì lấy gì để sinh sống? Nổi xao xuyến của các tông đồ đó là sắp sửa mất thầy Giêsu, vị thầy mà các ngài tin là sẽ làm vua cai trị đất nước. Xôi hỏng, bõng tay. Mất cả chì lẫn cả chài. Đã bỏ mọi sự để ròng rã theo chân người mình kỳ vọng suốt ba năm, thế mà giờ đây Người lại loan báo một sự thật khó có thể chấp nhận đó là Người sẽ bị bắt, bị giết chết. Dù với nguyên nhân gì đi nữa thì những ai trong tình trạng xao xuyến đều cảm thấy như mất phương hướng để sống, không biết đường phải đi, nói cách nôm na là “không biết đâu mà lần”.
“Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường?” (Ga 14,5). Ngài Tôma đã nói lên tâm trạng của các tông đồ lúc bấy giờ là xao xuyến. Thầy mà thất bại thì mình sẽ ra sao đây? Các vị không biết mình phải làm gì và sẽ làm gì. Nhiều thanh niên nam nữ dân Việt cũng từng thấy bất an khi vào đời, dù đã cầm trên tay mảnh bằng tú tài hay cử nhân. Đã có đó nhiều bạn trẻ đành sống lây lất, kiểu sống cho qua ngày đoạn tháng, cái gì tới thì tới, chẳng cần biết ngày mai vì dường như không thể hình dung được tương lai. Đã có đó nhiều Kitô hữu giáo dân, thậm chí hàng giáo sĩ không biết phải chọn đi đường nào trước tình trạng tâm linh của bản thân, trước những sự kiện, những diễn biến của xã hội, của thế giới, của đất nước, của giáo hội và thế là đành xuôi tay “người ta sao thì tôi vậy”. Rất có thể họ có được chút yên ổn bên ngoài, nhưng sự bình an đích thực thì hầu chắc không có.
Để vượt qua nổi xao xuyến, Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Người”. Tin Chúa Giêsu là dấn bước theo chân của Người, là sống như Người sống, là đi theo con đường Người đi. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Can đảm đối diện với sự thật, sống trung thực với bản thân, với tha nhân và nhất là với Thiên Chúa thì sẽ thoát được mọi nổi xao xuyến. Để được điều này thì chúng ta cần phải khiêm nhu nhìn nhận hiện trạng của mình, không quanh co, không lấp liếm, không bào chữa, không biện minh. Dù có yếu đuối, lầm lỡ, dù có sai phạm cách này hay cở kia nhưng khi đã được thú nhận cách chân thành, được nhìn nhận cách thẳng thắn, thì những sợi dây ràng buộc sẽ bị chặt đứt, được tháo gở. Chính sự thật đã giải thoát chúng ta.
Tích cực làm phát triển sự sống, một sự sống không phải là kết quả của cơ chế tự nhân đôi, của sự sinh sản vô tính hay là kết quả của sự kết hợp phái tính, nhưng là hoa trái của tình yêu đích thực. Đây là tình yêu quyện hoà hai động thái trao ban và đón nhận như Đức Bênêđictô XVI diễn tả trong Thông Điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Yêu là trao ban cho nhau tất cả những gì tốt đẹp của mình một cách tự nguyện, cách vô cầu. Yêu là sẵn sàng đón nhau với tất cả những gì là của nhau, cả những mặt tích cực lẫn những mặt hạn chế, cả những ưu điểm lẫn những khuyết điểm, cả những thành công lẫn thất bại, cả những công đức lẫn những lỗi lầm của nhau.
“Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy”. Nói cách khác, không ai có thể có được sự bình an đích thực, nghĩa là không ai có thể vượt qua được nổi xao xuyến mà không đi trên con đường của sự thật và tình yêu. Càng yêu thương nhau thì chúng ta càng giúp nhau can đảm sống trong sự thật. Càng khiêm hạ sống trong sự thật thì chúng ta càng biết yêu thương như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Và kết quả là, nói theo kiểu nữ văn sĩ Francoise Sagan: Xao xuyến ơi, chào mi và xin giả từ!

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột


Chúa Nhật IV Phục Sinh A : BIỆN CHỨNG MỤC TỬ– CHIÊN

Hằng năm cứ vào ngày Chúa nhật IV Phục Sinh, Hội Thánh mời gọi chúng ta, Kitô hữu đặc biệt cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ. Qua các con số thống kê, chúng ta nhận ra đây là một nhu cầu vừa chính đáng và hợp lý lại vừa mang tính cấp thiết. Tuy nhiên, dù có cấp thiết đến mấy thì Hội Thánh vẫn kiên trì chủ trương rằng cần “chất hơn là lượng”. Chính vì thế mà không thể vì lý do thiếu hụt linh mục hay tu sĩ mà hạ thấp tiêu chí cũng như các yêu cầu của việc đào tạo. Xin được góp một vài suy nghĩ về vấn đề này dựa trên các bản văn Lời Chúa của ngày Chúa Nhật IV Phục Sinh. Cụ thể, xin chia sẻ đôi nét về biện chứng mục tử nhân lành và con chiên ngoan hiền.
Nói đến biện chứng là nói đến một trong những “học thuyết mang tính triết học về các mối liên hệ phổ biến và về sự phát triển, hay là khoa học về các quy luật vận động và phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy” (Tự Điển Bách Khoa Việt Nam-1995). Biện chứng pháp được xây dựng chủ yếu trên quy luật vận động, sự biến đổi của sự vật, hiện tượng và những ảnh hưởng tương tác giữa chúng. Cái nhìn này không phải là mới lạ với khám phá của Hégel hay Karl Marx, nhưng đã bàng bạc sẵn có trong các hệ tư tưởng Đông phương như quy luật âm dương, bát quái, ngũ hành hay sắc sắc không không… Không muốn đi sâu vào lãnh vực chuyên môn mang tính triết học, nhưng xin góp cái nhìn theo một góc độ cha ông chúng ta cảm nghiệm: “có con rồi mới có cha; có cháu rồi mới có ông, có bà”.
1. Để là mục tử nhân lành, cần phải là chiên ngoan hiền:
Chúa Kitô đã minh nhiên khẳng định Người chính là mục tử nhân lành (Ga 10,11). Tuy nhiên, để đảm nhận vai trò mục tử thì trước tiên Người đã vuông tròn vị thế con chiên hiền ngoan. Thánh Phêrô giới thiệu Đức Kitô như là con chiên tinh tuyền, hiền lành, gánh tội gian trần. “Người không hề phạm tôi; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình. Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá…” (1P 2,21-24). Thánh Tông đồ cả kết luận rằng chính khi đảm nhận phận việc ấy thì đức Kitô đã chu toàn trách vụ “vị mục tử, Đấng chăm sóc linh hồn chúng ta” (c.25).
Chiên không đi theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn. Trái lại, chiên nhận biết tiếng mục tử và đi theo mục tử. Dưới cái nhìn này thì Chúa Kitô là một con chiên đích thực vì “lương thực của Người là thi hành thánh ý Cha trên trời” (x.Ga 4,34). Cho dù mồ hôi tuôn ra pha lẫn máu, Con chiên tinh tuyền Giêsu Kitô vẫn một mực “xin đừng theo ý con, một vâng theo thánh ý Cha mà thôi” (x.Lc 22,39-44).
2. Để là con chiên hiền ngoan, cần phải có tấm lòng mục tử nhân hậu:
Chúa Kitô không minh nhiên giới thiệu mình là con chiên, nhưng cuộc đời của Người, đặc biệt cuộc hiến tế thập giá của Người mặc nhiên khẳng định Người là con chiên vượt qua của giao ước mới. Trong khi đó vị ngôn sứ cao trọng hơn mọi ngôn sứ là Gioan Tẩy giả đã long trọng giới thiệu Chúa Kitô là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,36).
Để thực thi phận vụ “Con Chiên Thiên Chúa”, Chúa Kitô đã sống tình một mục tử tốt lành, nhân hậu. Người chạnh lòng thương xót khi thấy đoàn lũ đông đảo như chiên không người chăn (x.Mc 6,34). Người nhiệt thành đến quên cả ăn uống để băng bó thương tích cho đoàn chiên (x.Mc 3,20), để dẫn chiên đến đồng cỏ xanh, nguồn suối mát. Người hiến dâng mạng sống vì đàn chiên và mong sao không một con chiên nào lạc đàn (x.Ga 10,11;14). Lẽ sống của người mục tử chính là sự sống, sự phát triển của từng con chiên và của đàn chiên. Chính vì thế, người mục tử là người “biết” chiên tức là gắn bó mật thiết với chiên, sẵn sàng chung thân, đồng phận với chiên, lấy sự sống của chiên làm nguồn sống của mình.
Vài tâm tình hướng đến các mục tử (giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ):
Diễn ý câu nói của Thánh Giáo phụ Âugustinô: Cho anh em, tôi là mục tử (giám mục). Cùng với anh em, tôi là con chiên (tín hữu). Để các ngài, các vị chu toàn bổn phận mục tử Chúa giao phó thì ta hãy cầu xin cho các vị, các ngài trước hết biết sống vuông tròn vị thế con chiên:
- Hiền lành: Trưởng thành nhân cách, vững vàng các nhân đức nhân bản. Điều này không phải được ngay một sớm một chiều hay nhờ lãnh nhận chức này, vụ kia. Nhưng cần phải trau dồi, luyện tập liên lĩ. Học xong một giáo trình các nhân đức nhân bản với điểm số tối đa mà vẫn là người thiếu nhân bản là chuyện rất bình thường.
- Vô tì tích: Dĩ nhiên, ngoại trừ Mẹ Maria được Chúa giữ gìn thì phận người khó tránh lỗi lầm. Để ngày càng thêm thanh sạch, vô tì tích, thì không gì hơn “hãy đem những cái bên trong ra mà phân phát (lòng quảng đại)” (x.Lc 11,41).
- Ngoan ngoãn: biết luôn vâng theo ý Chúa. Để sống và hành động theo thánh ý Chúa thì tiên vàn cần có một đời sống cầu nguyện chuyên chăm và một tâm hồn “dễ bảo” dưới tác động của Thánh Thần.
Vài tâm tình hướng đến những ứng viên ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ :
Khi nhận ứng viên vào Tu viện hay Chủng viện, các vị hữu trách thường dò xét các ý hướng của ứng viên. “Con đi tu để làm gì?” Một câu hỏi thường gặp nhằm lượng giá ý hướng các ứng viên. Các vị hữu trách thường dễ hài lòng trước các câu trả lời mang tính cống hiến, phục vụ vị tha hơn là những câu trả lời hàm chứa sự vị kỷ cho dù đó là lợi ích cá nhân rất là thiêng thánh như đi tu để được rỗi linh hồn. Thánh Công Đồng dạy: “Việc giáo dục toàn diện các chủng sinh nhằm huấn luyện cho họ thực sự thành những vị chăn dắt các linh hồn… (tức là các mục tử)” (ĐT số 4). Ước gì các tu sinh, chủng sinh có được chút tâm tình của người mục tử ngay khi còn mài đũng quần ở tu viện hay chủng viện. Đó là tâm tình của người mục tử:
- Biết cống hiến hơn là hưởng thụ: “Con Người đến không phải để cho người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,46; x. Ga 13,12-17).
- Nhiệt thành: Sẵn sàng đi trước trong các việc khó mà đó là những việc phải làm, đáng làm và nên làm.

- Biết đồng cảm, đồng phận với tha nhân, đồng loại và nhất là với những người nghèo, người bất hạnh… “Quả vậy, thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối…” (Dt 5,1-3).
Có thể nói rằng hơn bao giờ hết, nhân loại chúng ta hiện nay đang vào giai đoạn thích hưởng thụ và tìm đủ cách đủ kiểu để hưởng thụ. Chính vì thế, đời sống cống hiến dường như đang vắng bóng dần. Một điều chắc chắn là nhân loại, xã hội mọi thời, đặc biệt hôm nay đang rất cần những con người sẵn sàng cống hiến, những cuộc đời biết hiến dâng. Chính vì thế ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ vẫn mãi là ơn chúng ta cần kiên trì cầu xin. Tuy nhiên sự cầu xin của chúng ta không được phép dừng lại ở thái độ thầm thỉ, chấp tay hay móc túi để góp tiền, mà còn phải biết mở miệng, nắm tay để dệt xây những mục tử biết vuông tròn phận vụ con chiên hiền ngoan và những con chiên luôn ắp đầy tâm tình mục tử tốt lành.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

NHẬN DIỆN NGƯỜI CHĂN THUÊ

Hằng năm cứ đến ngày Lễ Chúa Chiên Lành (Chúa Nhật IV Phục Sinh), cả Giáo hội hướng đến việc cổ võ ơn thiên triệu trong bậc tu trì nói chung và cách riêng ơn gọi linh mục, những vị được mệnh danh là mục tử. Trên quê hương Việt Nam, đó đây đã từng xuất hiện các băng rôn với hàng chữ: “chúng con cần mục tử, không cần người chăn thuê”. Có thể luận suy rằng khi người ta yêu sách phẩm hạnh cần có của một bậc sống thì mặc nhiên người ta khẳng định sự cao quý và cần thiết của bậc sống ấy.
Một sự thật dễ thấy, đó là khi đề cập đến mặt tích cực và khi đó là một trong những nhân đức hay lý tưởng thì người ta dễ đón nhận và cũng dễ tự bằng lòng khi thấy mình chưa đạt đến. Một trong những luận lý để tự châm chước đó là phận người còn nhiều hạn chế, thiếu sót vì như lời người xưa: “nhân bất thập toàn”. Trái lại khi nói đến điều tiêu cực, hay mặt trái của vấn đề thì người ta khó đón nhận, vì ai ai cũng vấn vương chút sĩ diện, chút tự ái nào đó. Nói rằng bạn chưa hoàn hảo thì chúng ta dễ chấp nhận ngay nhưng nếu nói rằng bạn xấu xa thì xem ra dễ có phản ứng. Hoặc giả như cho rằng bạn nói chưa đúng thì dễ chấp nhận nhưng nếu ai đó cho rằng chúng ta nói sai thì vấn đề lại trở thành trầm trọng. Một cách nào đó để tăng phần hiệu ứng thì thay vì khắc họa chân dung người mục tử nhân lành, chúng ta thử định hình khuôn mặt của người chăn thuê.
Cần khẳng định chắc chắn rằng Thiên Chúa, Chúa Kitô chỉ muốn trao ban cho chiên trong lẫn ngoài đàn những vị mục tử chứ không phải những người chăn thuê. Do đó việc phân biệt người chăn thuê với mục tử là việc đáng làm và phải làm. Nói đến phân biệt thì cần phải trình bày những điểm giống nhau và khác nhau giữa những gì chúng ta muốn phân biệt.
Dù có thể còn phiếm diện, nhưng xin mạo muội đề ra bốn nét tương đồng và bốn điểm khác biệt giữa mục tử với người chăn thuê. Trước hết chúng ta cùng xem xét một vài nét xem ra tương đồng giữa người chăn thuê và vị mục tử:
1.Đi qua cửa chuồng chiên: Kẻ trộm thì thường leo rào mà vào, trái lại cả hai, mục tử và người chăn thuê đều đường đường chính chính đi qua cửa chuồng chiên. Chúa Kitô đã tự giới thiệu Người là cửa chuồng chiên (x.Ga 10,1-10). Như thế, nhiều người đã lãnh nhận Bí Tích Truyền Chức Thánh thành sự, nói theo truyền thống là được truyền chức Phó tế, được thụ phong Linh mục hay được tấn phong Giám mục rất có thể chưa phải là những mục tử chính hiệu mà cách nào đó đang là những người chăn thuê.
2.Biết chiên: Dù rằng khó có thể có cái “biết” theo nghĩa Kinh Thánh đó là đồng thân, chung phận, nhưng người chăn thuê cũng biết con chiên một cách nào đó khả dĩ đáng gọi là biết theo nhãn quan nhân loại.
3.Chiên nghe tiếng và đi theo mục tử cũng như kẻ chăn thuê: Ít ai phản đối sự thật này, vì người chăn thuê không phải là người lạ hay là kẻ trộm (x.Ga 10,5;8).
4.Cũng như mục tử, người chăn thuê dẫn chiên đến đồng cỏ và suối nước: Rất có thể chiên không được hưởng dùng các loại cỏ xanh tươi hay dòng nước mát trong cách tốt nhất, nhưng người chăn thuê vẫn không quên bổn phận cung cấp thức ăn và nước uống cho đàn chiên.
Tiếp đến chúng ta cùng nhận diện những điểm khác biệt giữa người chăn thuê và vị mục tử. Đây là nội dung muốn chia sẻ. Hy vọng rằng khi trực kiến với hình ảnh mang tính phản diện thì chúng ta dễ giật mình hơn, không chỉ với những người đang trong phận vụ mục tử mà còn với cả những người trong danh phận con chiên.
1.Làm chỉ vì tiền: Mục đích nhắm của bất cứ người làm thuê nào, nếu thực sự là làm thuê, thì đều vì tiền công. Một số người chăn thuê cũng có thể có tấm lòng với đàn chiên cách nào đó, nhưng ưu tiên số một vẫn là tiền công, dù là công nhật, công tháng, công năm hay tiền công theo sản phẩm.
2.Làm hết giờ hơn là làm hết việc, nếu có làm hết việc nhưng khó hết tình: Trong thân phận người làm thuê thì người ta rất mong đến giờ tan sở. Giả như người làm thuê nếu có làm hết việc thì ít khi hết lòng. Nếu người làm thuê làm ăn lương theo sản phẩm thì có đó chuyện làm hết sức, nhưng làm cách công tâm và hết tình thì cần xét lại. Chuyện làm “hợp tác xã” trong nông nghiệp một thời ở xã hội Việt Nam như là một minh chứng. Khi người ta không thực sự thấy quyền làm chủ của mình trên mảnh đất cày cấy thì dù cán cuốc đang giơ lên mà trùng với tiếng kẻng báo hết giờ thì nó được nhẹ nhàng đặt trên vai chứ không cắm xuống đất để thêm một chút đất được tơi xốp.
3.Không quan tâm đến chiên ngoài đàn: Đây là một điều tất yếu đương nhiên. Đã là làm thuê thì ít có ai thích dài tay với những việc xem ra không quá đòi buộc phải làm hoặc có xao nhãng hay không làm cũng chẳng bị trừ lương.
4.Không bao giờ sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì chiên: Cần thú nhận rằng chẳng có ai dại gì tự nguyện bị thiệt thân vì những gì không thuộc về mình. Khi thấy sói đến người chăn thuê sẵn sàng bỏ chiên để giữ lấy mạng sống mình (x.Ga 10,12). Chuyện hiến dâng mạng sống vì chiên xem ra chẳng hề có trong tâm trí của người chăn thuê.
Hy vọng rằng qua một vài nét phác họa chân dung người chăn thuê, chúng ta thêm xác tín rằng ngoài việc cần thiết cầu nguyện liên lỉ cho các mục tử trong Giáo hội, thì còn đó nhiều việc đáng làm và nên làm. Cũng hy vọng rằng một số mục tử nào đó trong Giáo hội, dù chưa hẳn xứng danh mục tử tốt lành nhưng không phải là những người chăn thuê. Một chuyện xem ra quá lý tưởng đó là mong sao không hề có người chăn thuê trong đàn chiên của Thiên Chúa. Nếu chưa thể được thì ít là ngày càng bớt đi những kẻ chăn thuê đang mang danh mục tử. Chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ muốn đoàn chiên của Người sống và hành xử như “đoàn cừu của Panurge”, mà là như đoàn dân Thiên Chúa trưởng thành, đầy ý thức và tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực cộng tác với ơn Chúa để dệt xây những mục tử tốt lành như lòng Chúa ước mong.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Công bố thư luân lưu của Bộ giáo lý đức tin bài trừ nạn giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên

16/05/11 4:03 PM - Nguồn: Vietvatican.net

ĐTC Gioan Phaolô 2 hồi năm 2002 đã nói: “Không có chỗ đứng trong hàng linh mục và trong đời tu trì cho những kẻ làm hại người trẻ”.. Đặc biệt cần phải giáo dục cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ biết quí chuộng đức khiết tịnh và sự độc thân cũng như trách nhiệm làm cha tinh thần, và cần giúp họ đào sâu kiến thức về kỷ luật Giáo Hội liên quan đến những vấn đề này”.. Cũng cần đặc biệt chăm chỉ thi hành việc trao đổi tin tức một cách kín đáo giữa các giáo phận và dòng tu về những ứng sinh linh mục và tu sĩ từ chủng viện hoặc dòng tu này chuyển sang chủng viện hoặc dòng tu khác”.
- “Các GM có nghĩa vụ phải đối xử với tất cả các LM như người cha và người anh. Ngoài ra, GM cần đặc biệt quan tâm đến việc thường huấn cho hàng giáo sĩ, nhất là trong những năm đầu sau khi chịu chức, đề cao tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ linh mục. Các LM cần được chỉ dẫn về những thiệt hại mà giáo sĩ gây ra cho nạn nhân bị lạm dụng tính dục và về trách nhiệm của mình đối với các quy luật của giáo luật và dân luật, cũng như học cách nhận ra những dấu hiệu về những vụ lạm dụng của bất kỳ người nào khác đối với các trẻ vị thành niên”.
VATICAN. Hôm 16-5-2011, Bộ Giáo Lý đức tin đã công bố thư luân lưu nhắm giúp các HĐGM soạn thảo các đường hướng chỉ đạo xử lý những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong thư gửi kèm văn kiện này, Bộ giáo lý đức tin nhắc lại sự kiện ngày 21-5 năm 2010, ĐTC Biển Đức 16 đã công bố văn bản cập nhật Tự Sắc bảo vệ đặc tính thánh thiện của các bí tích, chứa đựng các qui luật xử lý những tội rất nặng, trong đó có tội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Bộ giáo lý đức tin khẳng định rằng: “Mỗi HĐGM nên chuẩn bị các đường hướng chỉ đạo để giúp các GM thành viên áp dụng đúng đắn các qui luật đó và những khía cạnh khác liên hệ đến nạn lạm dụng trẻ vị thành niên, bằng cách tuân hành các thủ tục rõ ràng và có phối hợp khi phải xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Các đường hướng chỉ đạo như thế phải để ý đến những hoàn cảnh cụ thể tại khu vực thuộc quyền mỗi HĐGM”.
Trong ý hướng giúp các HĐGM đề ra các đường hướng chỉ đạo hoặc hỗ trợ việc duyệt lại các đường hướng đã có, Bộ giáo lý đức tin đã soạn thư luân lưu này. Bộ cũng khẳng định rằng “thật là điều rất hữu ích nếu mời các Bề trên cấp cao của các dòng nam giáo sĩ hiện diện trong lãnh thổ của mỗi HĐGM tham gia vào tiến trình soạn những đường hướng chỉ đạo nói trên”.
Bộ giáo lý đức tin yêu cầu mỗi HĐGM hãy gửi về Bộ trước cuối tháng 5 năm 2012 một bản sao những đường hướng vừa nói. Bộ sẵn sàng giúp làm sáng tỏ hoặc trợ giúp soạn những đường hướng như vậy. Trong trường hợp HĐGM quyết định thiết lập các qui luật có tính chất bắt buộc thì cần có sự duyệt xét và phê chuẩn của các cơ quan liên hệ có thẩm quyền của Tòa Thánh.
Thư luân lưu
Trong Thư luân lưu do Bộ giáo lý đức tin, ngoài phần nhập đề và kết luận, còn có 3 phần:
- Phần thứ I trình bày những khía cạnh tổng quát như: nạn nhân bị lạm dụng tính dục; việc bảo vệ trẻ vị thành niên; việc đào tạo các LM và tu sĩ tương lai; việc tháp tùng các linh mục; sau cùng là sự cộng tác với chính quyền dân sự.
- Phần II lược tóm giáo luật hiện hành về tội giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên
- Phần III là những chỉ dẫn cho các vị Bản quyền (các GM và các Bề trên cấp cao của dòng nam giáo sĩ) về cách thức tiến hành việc xử lý những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.
Trong số những điều được Thư Luân lưu đặc biệt nhấn mạnh, có những điểm như:
- “Giáo Hội, qua vị GM hoặc thừa ủy của ngài, phải tỏ ra sẵn sàng lắng nghe các nạn nhân và thân nhân của họ, và dấn thân trợ giúp họ về tinh thần và tâm lý.”
- “Tại một số quốc gia, trong khuôn khổ Giáo Hội, đã khởi sự những chương trình giáo dục phòng ngừa, bảo đảm những môi trường an toàn cho các trẻ vị thành niên. Các chương trình đó giúp các cha mẹ cũng các nhân viên mục vụ, nhân viên giáo dục, nhận ra những dấu hiệu về sự lạm dụng tính dục và đề ra những biện pháp thích hợp”
- ĐTC Gioan Phaolô 2 hồi năm 2002 đã nói: “Không có chỗ đứng trong hàng linh mục và trong đời tu trì cho những kẻ làm hại người trẻ”.. Đặc biệt cần phải giáo dục cho các ứng sinh linh mục và tu sĩ biết quí chuộng đức khiết tịnh và sự độc thân cũng như trách nhiệm làm cha tinh thần, và cần giúp họ đào sâu kiến thức về kỷ luật Giáo Hội liên quan đến những vấn đề này”.. Cũng cần đặc biệt chăm chỉ thi hành việc trao đổi tin tức một cách kín đáo giữa các giáo phận và dòng tu về những ứng sinh linh mục và tu sĩ từ chủng viện hoặc dòng tu này chuyển sang chủng viện hoặc dòng tu khác”.
- “Các GM có nghĩa vụ phải đối xử với tất cả các LM như người cha và người anh. Ngoài ra, GM cần đặc biệt quan tâm đến việc thường huấn cho hàng giáo sĩ, nhất là trong những năm đầu sau khi chịu chức, đề cao tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nâng đỡ nhau trong tình huynh đệ linh mục. Các LM cần được chỉ dẫn về những thiệt hại mà giáo sĩ gây ra cho nạn nhân bị lạm dụng tính dục và về trách nhiệm của mình đối với các quy luật của giáo luật và dân luật, cũng như học cách nhận ra những dấu hiệu về những vụ lạm dụng của bất kỳ người nào khác đối với các trẻ vị thành niên”.
- “Giáo sĩ bị tố cáo vẫn được coi là vô tội cho đến khi có bằng chứng ngược lại, tuy rằng Giám Mục có thể thận trọng giới hạn việc thi hành sứ vụ của giáo sĩ ấy trong khi chờ đợi làm sáng tỏ những lời tố cáo. Nếu thấy lời tố cáo không đúng, thì GM cần làm tất cả những gì có thể để phục hồi thanh danh cho giáo sĩ bị tố cáo bất công”.
- Về việc cộng tác với chính quyền dân sự, Thư của Bộ khẳng định rằng: “Điều quan trọng là cộng tác với chính quyền dân sự trong khuôn khổ thẩm quyền liên hệ. Đặc biệt cần luôn theo những qui định của luật dân sự trong những gì phải trình báo các tội ác cho nhà chức trách có thẩm quyền, nhưng không làm thương tổn bí mật tòa giải tội. Dĩ nhiên sự cộng tác này không chỉ liên quan đến những vụ lạm dụng do giáo sĩ phạm, nhưng cả những trường hợp lạm dụng liên hệ tới nhân viên tôn giáo hoặc giáo dân hoạt động trong các cơ cấu của Giáo Hội”. (SD 16-5-2011)
- “Người tố cáo tội ác phải được đối xử trong sự tôn trọng. Trong trường hợp sự lạm dụng tính dục có liên hệ tới một tội ác khác chống lại phẩm giá của bí tích giải tội (SST, art.4) thì người tố cáo có quyền đòi hỏi làm sao để tên của họ không được thông báo cho linh mục bị tố cáo” (SST, art. 24)
“việc điều tra về những lời tố cáo phải được tiến hành trong sự tôn trọng nguyên tắc bảo vệ tính chất riêng tư (privacy) và thanh danh của con người”.
- “Các đường hướng chỉ đạo phải để ý đến luật pháp của quốc gia thuộc HĐGM liên hệ, đặc biệt về nghĩa vụ phải trình báo cho chính quyền dân sự”.
- “Trong mọi giai đoạn của thủ tục kỷ luật và hình luật, giáo sĩ bị cáo phải được hưởng lương bổng chính đáng”.
- “Không được cho giáo sĩ trở về với sứ vụ công khai nếu sứ vụ này có nguy hiểm cho trẻ vị thành niên hoặc có nguy cơ gương mù cho cộng đoàn”.
Thư luân lưu của Bộ giáo lý đức tin kết luận rằng: “Những đường hướng chỉ đạo do HĐGM đề ra phải nhắm bảo vệ trẻ vị thành niên và giúp các nạn nhân tìm được sự trợ giúp và hòa giải. Những đường hướng đó phải cho thấy rõ trách nhiệm trong việc xử lý các tội giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trước tiên thuộc về Giám mục giáo phận. Sau cùng, các đường hướng ấy phải đưa tới một hướng đi chung trong HĐGM bằng cách giúp hòa hợp tối đa các nỗ lực của mỗi giám mục trong việc bảo vệ trẻ vị thành niên”.
Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, cho biết lá thư luân lưu này ngắn nhưng rất cô đọng. Đây là một bước tiến mới rất quan trọng để khích lệ trong toàn Giáo Hội ý thức về sự cần thiết cấp thiết phải phản ứng một cách hữu hiệu nhất và sáng suốt chống lại tệ nạn lạm dụng tính dục do giáo sĩ”.
Cha Lombardi trưng dẫn Giáo Hội tại những nước nói tiếng Anh đã đi tiên phong trong lãnh vực này như Hoa Kỳ, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Ai Len, Canada. Tại Âu Châu có nước Đức đi hàng đầu, tiếp đến là Pháp, Hòa Lan, Bỉ, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Áo và Malta. Ngoài ra, cac HĐGM như Phi luật Tân, Ấn độ, Venezuela, Chile cũng đang tiến hành việc đề ra các đường hướng chỉ đạo trong lãnh vực này.
Thư luân lưu của Bộ giáo lý Đức tin đã được Phủ Quốc vụ khanh và các cơ quan trung ương khác của Tòa Thánh cho ý kiến. (SD 16-5-2011).

G. Trần Đức Anh, O.P.

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Chúa Nhật III Phục Sinh : HÀNH TRÌNH EMMAU

Câu chuyên hai môn đệ trên đường đi Emmau thường được biểu trưng hành trình đức tin của Kitô hữu. Nói đến hành trình đức tin của Kitô hữu thì chúng không thể không nói đến một hành vi thờ phượng đỉnh cao trong Phụng Vụ là các buổi cử hành Thánh Thể hay còn gọi là Thánh Lễ. Dõi theo chân hai môn đệ năm xưa, xin được chia sẻ đôi tâm tình.
1. Các cơn giông tố hay nhũng thách đố của cuộc đời:
Hai môn đệ chán chường, mỏi mệt, rời Giêrusalem về quê cũ, Emmau. Thế là hết. Hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Thầy Giêsu. Tất cả như vô vọng. Còn gì để mong khi xác Người đã nằm im bất động ngay trong huyệt lạnh. Một vài tin đồn khá giật gân từ miệng các phụ nữ. Ôi, phụ nữ! Ôi đàn bà! Thời nào chẳng vậy, từ không thành có cũng thường do các bà dựng nên. Chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành. Thôi đành về quê xưa, mang lại cảnh kiếp “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Hành trình đức tin Kitô hữu hôm nay và mọi thời, hẳn không thiếu những thì, những lúc, thấy mình chơi vơi, lạc hướng. Niềm tin đã nhiều lần chao đảo trước bao thử thách, cam go và cảnh hẩm hiu của số phận. Hình như Chúa bỏ tôi hay là Chúa có hiện hữu chăng? Nếu thực có Người và Người đang sống thì tình người sẽ không như thế và cuộc đời sẽ không như vậy. Bao ngang trái vẫn dẫy đầy. Người ngay gặp cảnh dữ, kẻ ác lại gặp vận may. Đâu phải là chuyện hoạ hiếm, mà trái lại, nó đang nhan nhãn thật khó chối cãi. Đôi lần và đã nhiều lần, bản thân tôi và cả bậc thánh nhân như muốn buông xuôi. Cứ mặc dòng đời trôi. Người ta sao, mình vậy. Anh hùng làm gì cho thiệt thân. Sao lại phải vất vả bơi ngược dòng cho khác người?
2. Tình yêu luôn cần đó một lời mời:
Một đôi khi đến Nhà Thờ nghe Lời Chúa, nghe giảng dạy, lòng cũng nóng lên như hai môn đệ đi Emmmau ngày nào. Quyết tâm ăn năn: không thiếu. Quyết tâm thay đổi: có nhiều. Nhưng rồi, ra khỏi Nhà Thờ, về với cuộc sống đời thường thì đâu lại hoàn đấy. Ánh sáng của Lời vừa le lói: “có qua đau khổ mới đến vinh quang” chợt vụt tắt. Hết lưỡng lự lại phân vân và rồi không thắng nổi cái sức ì của kiếp nhân sinh.
Ta có ngờ đâu, như xưa với hai môn đệ đi Emmau, Chúa Kitô Phục Sinh mãi đang đồng hành bên ta. Không nhận ra Người cũng là điều dễ hiểu. Tại mắt đức tin ta mờ tối hay lòng ta đang nặng trĩu muôn sự đời? Dẫu gì đi nữa thì Người chẳng để ta đơn côi. “Thầy ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người vẫn đang đồng hành với ta khi vui cũng như lúc buồn, lúc chán chường cũng như khi hân hoan vui sướng. Người đang đợi ta. Người đang chờ ta. Tình yêu luôn mở ngõ với một lời mời.
3. Chuyện nghịch lý của tình yêu:
May thay, hai môn đệ đi Emmau đã mở lời nài ép người khách lạ vào quán trọ dùng bữa, qua đêm. Một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại, thế thôi, nhưng cũng đủ thành duyên cớ để Chúa Kitô lưu lại cùng hai ngài và tái diễn các hành vi của Bữa Tiệc Thánh. Thiên Chúa chẳng hề bỏ qua một nghĩa cử nào của ta, dù là bé nhỏ, để bắt đầu một cuộc gặp gỡ. Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai mở cửa thì Ta sẽ vào dùng bữa với họ (x. Kh 3,20).
Chuyện nghịch lý đã xảy ra. Khi chủ mời khách dự tiệc đời thì khách lại trao ban cho chủ lương thực bởi trời. Vị khách lạ cầm lấy bánh bẻ ra, trao cho hai môn đệ. Khách chủ đổi ngôi. Tình yêu quả thật kỳ diệu. Chính khi trao ban là lúc lãnh nhận. Càng chia sẻ thì càng có thêm nhiều. Nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh là một hạnh phúc không gì so sánh.
4. Tình yêu là để thông chia chứ không phải để độc chiếm:
Vừa nhận ra Thầy Chí Thánh, Thầy vụt biến mất. Hạnh phúc là điều cần phải dệt xây chứ không phải để hưởng thụ. Ai càng cố nắm giữ thì sẽ mất. Hiểu được điều này, hai môn đệ vội vàng trở về Giêrusalem ngay giữa đêm khuya báo tin cho anh em. Tình yêu, hạnh phúc thúc bách ta cần chia sẻ, dù lúc trời nắng nhẹ hay giữa đêm khuya lạnh giá. Gặp gỡ, hiệp thông với đấng Phục Sinh để rồi chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã lãnh nhận.
Loan báo Tin Mừng là một hệ luận tất yếu của người đã nhận hồng ân, được cảm nhận Chúa Phục Sinh. Gian truân, bắt bớ, tù đày chẳng hề ngăn nổi bước chân các tông đồ, các môn đệ. Vừa được giải thoát khỏi tù ngục, các tông đồ đã lại hiên ngang rao giảng tại Đền Thờ (x.Cvtđ 5,17-26).
5. Thánh Lễ: một hành trình Emmau.
Người ta dễ dàng nhận ra bản trình thuật của Thánh Sử Luca về chuyện hai môn đệ đi làng Emmau được cấu trúc như tiến trình của Thánh Lễ gồm hai phần chính là Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Mỗi ngày đầu tuần tức là ngày Chúa Nhật, Kitô hữu tiên khởi quy tụ lại để họp mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Truyền thống của Hội Thánh từ xưa đến nay đều mừng Chúa Phục Sinh trong ngày Chúa Nhật, kể cả trong các mùa đặc biệt như mùa Vọng và mùa Chay.
Thật đẹp thay cứ mỗi tuần chúng ta họp nhau ít là một lần vào ngày Chúa Nhật để dâng lên Chúa mọi bao vui buồn sướng khổ của đời ta. Không một ai là khách lạ trong buổi cử hành Thánh Thể. Không một ai đến Nhà Thờ ngày Chúa chỉ vì luật buộc. Và ước gì không một ai đến họp mừng Chúa Phục Sinh với đôi bàn tay trắng trơn, khi họ không thực sự tham dự mà chỉ xem Lễ cách bàng quang, chiếu lệ.
Dâng lên Chúa trọn cuộc sống buồn vui và bao trăn trở của mình để rồi lằng nghe Chúa nói qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Xin đừng quên phần diễn giải Lời Chúa của giám mục, linh mục hay của thầy phó tế trong Thánh Lễ là một phần của Phụng vụ Lời Chúa. Ước gì tất cả mọi người không chỉ nói với Chúa và nghe Chúa nói mà còn được kết hiệp với Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí tích Thánh Thể. Và rồi cái gì đến sẽ phải đến. Những bước chân của chúng ta sau khi ra khỏi Nhà Thờ sẽ là những bước chân trong hân hoan, sẵn sàng chia sẻ niềm vui, chia sẻ hồng ân mình đã lãnh nhận. Mong sao cứ mỗi lần ra khỏi Thánh đường, lòng chúng ta lại rộng mở hơn xưa, cho kẻ lạ cũng như người thân, cho người đạo hạnh cũng như kẻ bất nhân bạc tình. Nếu được vậy thì đó là một trong những dấu chỉ nói lên rằng ta đã gặp gỡ Đấng Phục Sinh, Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân trần.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghía - Ban Mê Thuột

Chúa Nhật II PS : CỘNG ĐOÀN “KHẢ TÍN”

Có phải ngẫu nhiên chăng khi mà Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật thứ hai Phục Sinh năm nào ta cũng nghe đọc bài Tin Mừng về chuyện “Tôma cứng lòng tin”. Hẳn chủ ý của Mẹ Hội Thánh là muốn nhấn mạnh đến vai trò của đức tin trong việc tiếp nhận mầu nhiệm Phục Sinh? Quả thật, “người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu” (Rm 3,22). Nghi thức cử hành Bí tích Thánh Tẩy cho người lớn được khởi đầu như sau: Anh chị em xin gì cùng Hội Thánh? – Thưa con xin Đức Tin. Đức tin sinh ơn ích gì cho anh chị em? – Thưa đức tin đem lại cho con sự sống đời đời. Là Kitô hữu, chúng ta vốn chân nhận tầm quan trọng của đức tin. Tin không nguyên chỉ là nhìn nhận một sự gì đó, một ai đó mà còn dấn thân trọn vẹn cả cuộc sống theo điều mình nhận, theo người mình tin. Dù rằng đức tin là một sự đáp trả của mỗi người trong sự hiểu biết và sự tự do cá nhân, tuy nhiên đức tin còn có tính cách cộng đoàn vì ta đón nhận và sống đức tin nhờ cộng đoàn đồng thời ta còn có nhiệm vụ thông truyền đức tin cho mọi nguời (x.GLCG số 180-181).
VAI TRÒ CỦA CỘNG ĐOÀN ĐỐI VỚI ĐỨC TIN
Nghe bài Tin Mừng kể chuyện về Tông Đồ Tôma ta dễ nghiêng chiều về tính cách cá nhân của đức tin là cần được kiểm chứng cách tự thân. Ai lại không thích tận mắt mình thấy, tận tay mình sờ chính Đấng Phục Sinh. Thế nhưng dẫu cho các Tông Đồ đã được cái diễm phúc ấy thì vai trò của đức tin vẫn còn đó. Sự xuất hiện của Chúa Phục Sinh luôn có cái ẩn tàng để các ngài phải vượt qua. Bởi chưng những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh không minh nhiên cách rõ ràng để các ngài được diện đối diện như sau này ở trên trời (x.1 Cr 13,12; 2 Cr 5,7). Hình dáng bên ngoài của Chúa Phục Sinh đã có đổi thay nào đó so với trước đây khiến cho Mađalêna, hai môn đệ đi làng Emmau cũng như các Tông Đồ khó nhận ra Chúa. Và rồi các Tông Đồ dù đãthấy một điều, nhưng mãi cần phải nhận một điều khác.
Tuy nhiên điều chúng ta muốn đề cập ở đây chính là tính cách cộng đoàn của đức tin. Trước hết chúng ta cần nhìn nhận rằng thái độ “cứng lòng tin” của Tôma vừa có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan thì có lẽ hành vi rời bỏ cộng đoàn của Tôma minh chứng cho điều này. Sau khi Chúa chịu khổ nạn thì các Tông Đồ đã tụ họp nhau lại ở nhà Tiệc Ly. Còn Tôma thì không biết ngài “đi đi mô?”. Cũng có thể vì sợ hãi, cũng có thể vì một lý do cá nhân nào đó, nhưng trong cái hoàn cảnh này, một hoàn cảnh xem ra bi đát, vô vọng của cả tập thể mà tự ý bỏ đi một mình thì xem ra không được ổn. Thật khó mà biện minh cho sự thiếu “đồng cam cộng khổ” của ngài “đi đi mô”.
Tách rời tập thể, tách lìa cộng đoàn thường là một trong những nguyên nhân khiến đức tin của ta ra nguội lạnh và có khi hoá khô cằn. Thực tế cho chúng ta sự thật này. Một Kitô hữu, một gia đình con cái Chúa tự ý sống tách lìa với cộng đoàn, với giáo xứ của mình thì đời sống đạo khó mà giữ được sự nhiệt thành. Ở đây, chỉ dám nhận xét bên ngoài vì chỉ có Chúa mới thấu suốt mọi tâm can bí ẩn lòng người. Tuy nhiên, ta có thể căn cứ vào số thống kê để chân nhận điều này: trong số các thiếu nhi, thiếu niên xem ra “hư hỏng” thì đa phần là không tham gia vào các lớp giáo lý hay các sinh hoạt chung của cộng đoàn. Trong các gia đình có vẻ như “nguội lạnh” đức tin thì cũng đa phần là không có gắn bó với tập thể, nếu không muốn nói là tự ý sống cô lập một mình. Kinh nghiệm nơi cả hàng tu sĩ hay linh mục cũng thế. Một cá nhân nào đó sống khép kín, bỏ cộng đoàn thì dường như đã hay đang có vấn đề và dĩ nhiên là vấn đề không được hay, không được tốt. Chính vì thế, Mẹ Hội Thánh luôn đề cao tính cộng đoàn trong việc sống đức tin của đoàn con cái. Đó là tình huynh đệ của linh mục đoàn, tính cộng đoàn của các tập thể Dòng Tu, sự liên đới trong các giáo xứ. Mục vụ cho người “di dân”, cho những người rời quê hương vì sinh kế, vì chuyện học hành…đang là một trong những nổi băn khoăn lớn của Hội Thánh nói chung và Hội Thánh Việt Nam nói riêng.
Cộng đoàn có ảnh hưởng một cách nào đó trên đức tin của chúng ta. Mặc dù ta vẫn phải tuyên xưng với công thức “tôi tin” nghĩa là đức tin luôn là một quyết định có ý thức và tự do của bản thân, thế nhưng ta đừng quên đức tin của ta được hình thành, nuôi dưỡng và củng cố trong và nhờ cộng đoàn. Cộng đoàn có ảnh hưởng tích cực trên đức tin của ta và cũng có khi lại ảnh hưởng cách tiêu cực.
Thái độ cứng lòng tin của Tôma phải chăng có nguyên cớ nơi tập thể nhóm Tông Đồ, môn đệ? “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Chúng tôi đã được thấy Chúa, thế mà tám ngày sau các ngài vẫn đóng kín các cửa căn phòng, dĩ nhiên là vì sợ người Do Thái (x.Ga 20,19-26). Một lời tuyên xưng từ miệng những người mà chân tay còn run cầm cập thì khả tín làm sao được! Cần thú nhận rằng sự nhát đảm, sợ sệt của các mục tử, nhất là của nhiều đấng kế vị các Tông đồ là một trong những nguyên cớ làm sụt giảm niềm tin của nhiều con chiên.
Thật khó trở nên dấu chỉ gợi mở lòng tin, thật khó trở thành nguồn củng cố đức tin cho một ai đó, khi mà cộng đoàn đức tin không thực sự phản ánh những gì được tin nhận. Chúng ta hẳn không quên trường hợp “vị thánh sống” của người Ấn Độ, Gandhi. Mặc dù rất cảm mến Tin Mừng nhưng ông đã không đón nhận đức tin trong Hội Thánh chỉ vì sự kỳ thị sắc tộc của một cộng đoàn bấy giờ. Mẹ Hội Thánh chúng ta cũng đã từng đấm ngực thú nhận rằng chính mình là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng vô thần trên thế giới hiện nay. Phải, chính đời sống phản chứng, phản Tin Mừng của con cái Chúa đã làm nhiều người “cứng lòng tin” (x. MV số 19).
DẤU CHỈ KHẢ TÍN CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ HỮU TIÊN KHỞI :
“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung… Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy đem phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu” (Cv 4,32-35).
Những dòng Thánh Kinh thật đẹp, thật lý tưởng. Ngày nay ít có ai dám mơ tưởng chuyện như thế sẽ lại hiện thực. Mỗi thời mỗi khác. Mỗi giai đoạn phát triển sẽ có những hình thức tồn tại thích hợp khác nhau. Chắc hẳn không thể bê nguyên cái hình thức của cái thưở ban đầu “đáng mơ” ấy để áp dụng cho thời đại hôm nay. Thế nhưng cái bầu khí, cái tinh thần khả tín ấy cần được thể hiện trong các cộng đoàn con cái Chúa mọi thời, mọi nơi.
Giả như các gia đình khá giả tự nguyện đem những gì không phải là “hằng ngày dùng đủ” đặt dưới chân ông cha xứ để chia sẻ cho những gia đình đang không có “cái dùng đủ hằng ngày” thì thật đáng ước mơ. Thật đẹp thay khi các giáo xứ tương đối có “của tiêu của dùng” bớt đi chút tiêu và chút dùng cho tổ chức này nọ và đem đặt dưới chân Giám mục để ngài chia cho các xứ chưa có nơi thờ tự hoặc dân chúng ở đó đang sống ngang hay dưới mức nghèo khó. Thật lý tưởng khi các linh mục hàng tháng đem đặt dưới chân Giám mục một phần thu nhập để ngài phân phối lại cho những vị đáng được đỡ nâng. Thật đáng ước mơ khi mà Hội Dòng này không chỉ nâng đỡ Hội Dòng kia về linh đạo, về nhân sự mà còn cả về nguồn lực vật chất. Nhiều, nhiều cái thật lý tưởng và đáng ước mơ tương tự nếu được hiện thực thì sẽ là một trong những dấu chỉ khả tín có sức khơi gợi niềm tin nơi nhiều người. “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung… Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2,42-47).
Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” đã khẳng định bản chất của Hội Thánh được thể hiện qua ba tác vụ: Rao giảng Lời Chúa (kerygma-martyria), cử hành các Bí tích (leiturgia) và phục vụ bác ái (diakonia). Ba tác vụ này không thể tách rời nhau được. Việc phục vụ bác ái không phải là một hoạt động phụ thêm nhưng là một phần của bản chất của Hội Thánh (x.số 25). Công đồng Vatican II dạy ta rằng một trong những phương thuốc đặc hiệu chữa trị tình trạng vô thần đó là “đức ái huynh đệ của các tín hữu” (MV số 21).
MỘT VÀI CÂU HỎI TỰ KIỂM
Vì đâu tinh thần liên đới của các Kitô hữu sơ khai bị mai một dần? Có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh đổi thay chăng? Hay là do lòng người hôm nay quá ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ cá nhân và đoàn tín hữu Kitô cũng đang ở trong vòng lốc xoáy ấy? Dẫu sao đi nữa thì ta cũng khó lòng biện minh cho việc hàng giáo sĩ quá lo cho tương lai, lo cho tuổi già về hưu. Thử hỏi đã có mấy linh mục hay giám mục chết vì thiếu thốn các điều kiện vật chất hay là ngược lại như thực tế đã cho ta thấy?
Vì đâu mà thuyết Mác-xít muốn nỗ lực xây dựng một thế giới đại đồng huynh đệ dựa trên việc tái lập đức công bằng mặc dù có nhiều điểm sai lệch, đặc biệt nơi biện pháp thực thi? (x. TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 26). Phải chăng chúng ta, cộng đoàn tín hữu Kitô một nơi nào đó, một giai đoạn nào đó đã từng khép kín lòng mình trước người anh em đồng loại? Ngay hôm nay, bản thân tôi cũng dễ bị cám dỗ sống “hai phần ba” bản chất của Hội Thánh. Thú thực, là linh mục, dường như tôi tự hài lòng với việc rao giảng Lời Chúa và cử hành các Bí tích. Hai phần ba xem ra là khá lắm rồi chứ. Thế nhưng khi thiếu cái phần ba còn lại thì chẳng có gì cả. Không có đức ái thì tất cả chỉ là “phèng la, não bạt”(x.1Cor 13). Và chắc chắn đời sống của tôi đang thiếu tính khả tín.
Vì đâu mà cộng đoàn tín hữu thời sơ khai sống được đức ái cách triệt để như thế? Dĩ nhiên trên hết là nhờ ơn Chúa. Và chắc chắn có sự khả tín nơi đời sống các Tông Đồ, các môn đệ, những người đang hướng dẫn họ. Giả như các Tông Đồ sống thiếu tình bác ái hoặc các ngài sử dụng của cải không phân minh thì có lẽ tình hình Hội Thánh sơ khai khó bề được như vậy. Phận người bất toàn khó tránh được thiếu sót, sai lầm. Các ngài đã nhận ra điều này nên đã chọn thêm bảy phó tế để phụ giúp (x Cv 6,1-6). “Mạnh ở tướng chứ mạnh gì quân”. Câu nói của người xưa hẳn có phần đúng và đáng cho ta phải xét mình.
Để cộng đoàn chúng ta trở thành dấu chỉ khơi gợi đức tin, trở thành nơi xây dựng đức tin, củng cố và làm tăng trưởng đức tin, có nhiều phương thế nhưng trên hết, trước hết chúng ta phải là một cộng đoàn khả tín bằng tình bác ái huynh đệ.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Ban Mê Thuột

Phục Sinh 2011 : MỘT Ý NGHĨA CỦA MẦU NHIỆM VƯỢT QUA

Kitô hữu chúng ta dễ dàng tin nhận Mầu nhiệm Vượt Qua tức là Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô chính là đỉnh cao, là sự viên mãn của công trình cứu độ của Thiên Chúa. Thế nhưng thử hỏi công trình cứu độ của Thiên Chúa là gì thì vẫn có đó nhiều dị biệt trong các quan niệm. Đã từng một thời gian rất dài chúng ta nhìn Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô như là một sự tái tạo. Nói đến tái tạo nghĩa là giả thiết công trình sáng tạo của Thiên Chúa đã hoàn thành hoặc cũng có thể giả thiết rằng công trình sáng tạo đã bị đổ vở, hỏng hư cách nào đó mà giáo lý có lẽ khởi đi từ thời thánh giáo phụ Irênê và được thánh Âugustinô củng cố, đã quy kết là do tội nguyên tổ gây ra. Bài Hoan ca Phục Sinh được long trọng cất lên trong đêm lễ Vọng Phục Sinh cũng đề cập đến yếu tố này, dù rằng đã có cái nhìn tích cực khi xem đó là “tội hồng phúc”.
Đã cho rằng Cuộc vượt Qua của Chúa Kitô như là công cuộc tái tạo và hiệu quả của công cuộc ấy lại tốt đẹp hơn cả công cuộc sáng tạo thì dường như vẫn chưa ổn. Vì bên cạnh đó chúng ta con nhìn nhận rằng vết tích của nguyên tội vẫn chưa được xoá sạch chẳng hạn như đau khổ vẫn còn đó, sự chết vẫn còn đó và ngay cái khuynh hướng tiêu cực mà thánh Phaolô cảm nghiệm là “những gì tôi muốn thì tôi không làm, còn những gì tôi không muốn thì tôi lại làm” vẫn còn đó nơi các tín hữu Kitô, kể cả nơi các thánh nhân.
Ngày nay có lẽ ít có ai ngây ngô cho rằng chỉ vì tội của một cặp tổ tiên loài người vốn rất hoang sơ mà di hại cho cháu con loài người đến thiên thu vạn đại. Hơn nữa, khoa Kinh Thánh cho chúng ta hay rằng không hề có cái tội của một người tên là Ađam vì thực ra Ađam không phải là tên của một người nhưng từ ngữ Ađam có nghĩa là con người cách chung. Dominique Morin đã trích lời của Martelet: “Nếu Thượng Đế tạo nên con người để rồi rình chờ nó phạm cái tội đầu tiên là giáng phạt nó phải chết và toàn thể nhân loại sau đó cũng phải chết, thì Thượng Đế quả đáng tội! Chỉ vì một người và vì một tội duy nhất mà đẻ ra sự chết và mọi sự giới hạn thì quả là không công bằng; Thượng Đế mà như thế thì chỉ tổ làm cho người ta vô thần thôi!” (x.Gọi Tên Thượng Đế - Dominique Morin – trang 233-234).
Các Đức Thánh Cha gần đây như đức cố Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI khuyến khích các nhà thần học tái khám phá chân dung của nguyên tội. Nhiều nhà thần học hiện đại đồng thuận với nhau rằng nguyên tội là tình trạng trì trệ của loài người nói chung vốn làm cản trở con người vươn lên. Theo thiển ý thì đây là tình trạng mê lầm của con người do dục vọng ích kỷ gây nên.
Sách Sáng Thế tường thuật lỗi lầm của nguyên tổ là muốn biết sự lành, sự dũ như các vị thần. Lỗi lầm của tổ tiên loài người không phải ở chỗ muốn biết điều lành điều dữ, vì đây là một việc làm chính đáng và phải đạo. Đã là người có trí khôn thì phải vận dụng khả năng Thiên Chúa ban để nhận biết điều tốt - xấu, lành - dữ, hầu sống cho xứng với phận mình là loài thụ tạo cao cả nhất trong các loài hữu hình được dựng nên. Cái lỗi và cũng là cái lầm của nguyên tổ đó là muốn phân định điều tốt - xấu, lành - dữ dựa trên các tiêu chí do mình đặt ra và điều này được ám chỉ qua cụm từ “như các vị thần”(x.St 3,5). Con người vốn bị dục vọng ích kỷ chi phối nên bị cám dỗ lấy lợi ích riêng mình làm tiêu chí phân định điều tốt - xấu, lành- dữ. Những gì hợp với tôi, có lợi cho tôi thì được cho là tốt là lành và ngược lại. Như thế thì điều lành dữ, tốt xấu có thể nói là mang tính chủ quan. Chuyện thường tình đó là được mùa lúa thì úa mùa xoài; trời nắng tốt dưa, trời mưa tốt lúa. Có nhiều điều được xem là lành vì có lợi cho người này thì bị xem là dữ vì gây hại cho người kia. Tình trạng hỗn độn dĩ nhiên xuất hiện.
Ngay trong đời thường chúng ta dễ chấp nhận sự thật này đó là chỉ có nhà sản xuất mới có đủ quyền và có khả năng thẩm định sự tốt xấu các sản phẩm mình làm ra vì chính họ là người đặt ra các tiêu chí của sản phẩm. Nếu tin Thiên Chúa là Đấng dựng nên mọi vật mọi loài từ hư vô thì chúng ta có thể khẳng định rằng chỉ mình Người mới có thẩm quyền phân định sự gì là tốt hay xấu, lành hay dữ theo các tiêu chí mà Người đặt ra. Thiên Chúa tạo dựng mọi sự đều là tốt đẹp. Là loài thụ tạo, con người chỉ tốt đẹp khi hiện hữu đúng theo đường lối Thiên Chúa vạch ra.
Chương trình, ý định của Thiên Chúa được tỏ bày cách tiệm tiến theo dòng thời gian. Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Người qua các kỳ công Người thực hiện là vũ trụ thiên nhiên, qua tiếng lương tâm mà Người đặt để trong lòng mỗi người mà các học giả đều đồng thuận với hạn từ là “luật đạo đức”, qua các biến cố lịch sử, nhất là qua dòng lịch sử dân được tuyển chọn. “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Cuộc đời, các hoạt động, lời giảng dạy, đặc biệt cuộc Tử Nạn – Phục Sinh của Chúa Kitô chính là Lời của Thiên Chúa tỏ bày cho nhân loại cách đủ đầy và hoàn hảo. Sự lành - dữ, tốt - xấu từ nay đã được mạc khải cách rõ ràng, minh thị.
Có nhiều nguyên nhân gây ra cái chết của Chúa Giêsu. Tuy nhiên trong các nguyên nhân như là sự ganh tương đố kỵ của nhiều lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ, như việc Chúa Giêsu thường xuyên vi phạm các luật lề hay truyền thống của người Do Thái… thì phải nói rằng cái nguyên nhân có tính quyết định trên án tử hình khổ giá của Người đó là vì Người tự xưng là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa (x.Mt 26,63-66). Nhiều nhà lãnh đạo Do Thái lúc bấy giờ muốn giết Chúa Giêsu nhưng vẫn còn sợ dân chúng. Chỉ với lý do duy nhất là Giêsu đã phạm thương tự xưng là Con Thiên Chúa thì họ mới có thể khiến cho dân chúng đổi ngược thái độ hoàn toàn, từ những lời hoan hô “chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến” trước đó dăm ngày trở thành tiếng gào thét “đóng đinh nó vào thập giá”. Chính Chúa Giêsu cũng biết rõ điều này vì trước đó người Do Thái đã từng nói với Người rằng chúng tôi lấy đá ném ông không phải vì những việc lành ông đã làm nhưng vì ông là người phàm mà tự xưng là Con Thiên Chúa, ngang hàng với Thiên Chúa, có tự đời đời, trước cả tổ phụ Abraham (x.Ga 10,33), Dù biết trước và biết rõ sự gì sẽ xảy đến cho mình, thế nhưng chúa Giêsu vẫn sẵn sàng đón nhận để làm chứng cho sự thật trước cả thần quyền lẫn thế quyền” (x.Ga 18,37-38).
Chổi dậy từ cõi chết, phục sinh vinh hiển, Chúa Giêsu đã khẳng định căn tính Thiên Chúa của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm chủ trên sự sống lẫn sự chết. Người đã tuyên bố trước đó rằng không một ai trên trần gian này có quyền trên sự sống của Người, nhưng chính Người tự ý trao dâng mạng sống của Người và rồi sẽ lấy lại (x.Ga 10,18).
Mầu nhiệm Phục Sinh có nhiều ý nghĩa nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng ý nghĩa khẳng định Thiên tính của Chúa Giêsu là ý nghĩa nền tảng và quan trọng nhất. Tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật thì hệ quả tất yếu kéo theo đó là phải đón nhận lời của Người, cuộc đời của Người làm tiêu chí, làm kim chỉ nam để phân biệt điều lành - dữ, tốt - xấu, hầu sống hữu ích, có ý nghĩa và dĩ nhiên là để có được hạnh phúc đích thực.
Là con người, không ai là một hòn đảo. Không ai sống cho mình và cũng không ai chết cho mình. Một tiêu chí nền tảng mà Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta trước khi Người chịu tử nạn đó là hãy biết sống yêu thương nhau trong tình liên đới đến cùng như Người đã yêu thương chúng ta (x.Ga 15,12-17), đặc biệt là yêu thương liên đới với những người bé mọn, cô thân, kém phận (x.Mt 25,31-46).
Mầu nhiệm Vượt qua của Đấng Cứu Độ chính là đỉnh cao, là sự hoàn tất của sự mạc khải. “Khi các ngươi giương Con Người lên cao thì các người sẽ nhận biết Ta là Đấng Hằng hữu”(x.Ga 8,28). Tin nhận Chúa Kitô là Đấng hằng hữu thì chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự mê lầm, một sự mê lầm đã giam cầm nhân loại trong bóng tội lỗi (x.Lc 23,34)

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Bài đăng xem nhiều nhất :