Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

Chúa Nhật XXIII Thường Niên C : AI XỨNG ĐÁNG LÀM MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ ?

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ của tôi... Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27-33). Những điều kiện Chúa Kitô đặt ra trên đây là cho hết mọi người chứ không riêng gì một ai. Tin Mừng Luca ghi rõ là khi ấy có rất đông người cùng đi đường với Chúa Giêsu và Người đã nói những lời ấy với tất cảm đám đông. Kitô hữu chúng ta có lẽ quá quen với hình ảnh thập giá và cả sự từ bỏ nhờ các cử hành Phụng Vụ, đặc biệt trong mùa Chay thánh. Phải chăng vì quen quá nên hóa nhàm? Và hệ quả kéo theo là không nắm được, đúng hơn là không hiểu đúng, chưa hiểu hết nội hàm của thập giá cũng như sự từ bỏ.
Nếu hiểu được thập giá và sự từ bỏ đúng như sự tự hủy và như thập giá của Chúa Kitô, đó là chịu án bất công, là chẳng còn hình tượng người ta nữa, là nên như người bị phỉ nhổ, như người bị Thiên Chúa đoán phạt... thì có lẽ khó có ai dám trả lời cách hiên ngang là con muốn theo Chúa, con muốn làm môn đệ của Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn tiên liệu nhiều khó khăn mà những ai muốn theo Người, muốn làm môn đệ Người phải chịu, nên đã căn dặn rằng cần khôn ngoan suy xét cẩn thận. Đừng để chuyện “xôi hỏng, bỏng tay” xảy ra vì thiếu khôn ngoan cân nhắc sự tình cũng như định lượng sức mình. Đừng mạo hiểm khởi công xây tháp mà không hoàn thành nổi để rồi bị người ta chê cười! Đừng mạo hiểm đem quân lính đánh nước người khi không đủ sức để rồi mang lấy thất bại thảm hại! Ai? Ai trong chúng ta, từ người hèn kém tội lỗi đến người tài cao, đức đầy dám nói mình đủ sức làm môn đệ của Chúa Kitô? Ai có thể tự nhận mình đủ đức, đủ tài, đủ khả năng để đi theo Chúa Kitô trên con đường thập giá?
Vậy thử hỏi phải làm sao đây? Bản thân kẻ hèn này xin tự thú nhận mình thật bất tài và bất xứng. Với sức riêng mình, tôi không thể nào làm môn đệ Chúa Kitô được. Với khả năng và cả đạo hạnh riêng mình, tôi không thể nào vác được thập giá mình, cũng không thể nào từ bỏ hết những gì mình có để theo Chúa Kitô. Thế thì phải làm sao đây? Không lẽ rút lui hoặc giơ tay xin hàng?
Với Thiên Chúa thì không có sự gì là không thể được. Ngay đêm Tiệc Ly, Chúa Kitô đã mở cho chúng ta con đường thoát khỏi cảnh bế tắc này. Chính Người đã tự nguyện rủ bỏ vị thế là Thầy và là Chúa để cúi xuống với từng người trong các môn đệ (x.Ga 13). “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ mà là bạn hữu” (Ga 15,15).
Hãy biết khôn ngoan làm bạn của Chúa Giêsu. Đỉnh cao của mạc khải là ở đây. Thiên Chúa không muốn con người làm tôi tớ hay làm môn đệ mà là bạn hữu của Người. Cái hình ảnh Giavê Thiên Chúa ngày ngày đi dạo với tổ tiên Ađam- Evà gợi mở thực tại tốt đẹp này. Có được người bạn là Giêsu Kitô thì chuyện thập giá mình sẽ không còn là vấn đề. Vì chính người bạn Giêsu luôn sẵn sàng nâng đỡ, đồng hành và có khi vác thay thập giá cho ta. Bài thơ “vết chân trên cát” của thi hào Tagor là một cảm nghiệm về một chân lý trong tình bạn. Con ơi, những lúc bão cát nổi lên, con chỉ còn thấy một dấu chân, đó là dấu chân của Ta, vì những lúc ấy là lúc Ta đang cõng con trên vai Ta.
Khi đã là bạn hữu thì không có gì là khoảng cách, là bí mật. “Tất cả những gì Thầy đã nghe biết bởi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.” (Ga15,15). Khi ta biết mở cõi lòng, biết bày tỏ mọi bí ẩn tâm can cho Giêsu, từ chuyện tốt đến chuyện xấu, từ những việc lành đã làm đến những sự dữ xấu xa đã phạm thì ta đang trao dâng hết những gì ta có, cho người bạn Giêsu. Và đây chính là lúc ta thực sự bỏ hết những gì mình có (Avoir – To have). Chính khi ta mở tâm trí đón nhận chân lý Chúa Kitô tỏ bày và sống theo chân lý ấy thì chúng ta đã thực sự từ bỏ những gì chúng ta là (Être – To be).
Ý định của Chúa nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Người chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi Thần khí thánh” (Kn 9,17). Nếu Chúa Kitô không tự nguyện cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, nếu Người không minh nhiên tỏ bày rằng Người không còn gọi các môn đệ là tôi tớ mà là bạn hữu, chắc hẳn con đường về trời, con đường theo chân Chúa Kitô quả là vượt quá tầm tay, vượt quá khả năng loài người chúng ta.
Vấn đề đặt ra là khi nào và làm sao chúng ta có được sự chắc chắn, dù tương đối, rằng chúng ta đang là bạn hữu của Chúa Giêsu? Một trong những cách thế hữu hiệu để làm bạn Chúa Giêsu đó là hãy làm như Người đã làm (x.Ga 13,15). Đó là nhận nhau như người anh em thân thuộc, như là bằng hữu nghĩa thiết. Đây là nội dung chính những dòng thư của Thánh Phaolô gửi đến ông Philêmon. Ngài xin Philêmon đón nhận lại Ônêsimô, không phải như một người nô lệ mà như một người anh em rất thân mến, dù cho Ônêsimô đáng phải chết vì là nô lệ mà đã bỏ trốn khỏi nhà của chủ. (Bài đọc 2). Đón nhận nhau như là anh em, như là bằng hữu thì không chỉ loại bỏ những hành vi đàn áp, bất công, quan liêu kẻ cả… mà còn phải thực tâm chia sẻ những gì mình đã có được, đã nghe biết, đã hưởng nhận...cho nhau.
Giả như đang còn đó những sự việc, những sự thật đáng nói, cần chia sẻ mà các vị bề trên còn giữ kín với người bề dưới thì người bề dưới vẫn chỉ mãi là những nô lệ hay tôi tớ mà thôi. Một thực tế khó chối cãi đó là khi sự giữ kẻ, sự giữ bí mật xuất hiện trong đời sống vợ chồng thì người giữ kẻ, giữ bí mật cách nào đó không còn xem người phối ngẫu là bạn trăm năm, là bạn đời, chưa kể có trường hợp chỉ xem nhau như người tôi tớ.
Chưa nhận nhau làm bạn trong cách sống, trong cung cách đối xử, thì chắc chắn chúng ta chưa thật sự là bằng hữu của Chúa Kitô. Và cũng khá chắc chắn rằng quá trình vác thập giá mình, quá trình từ bỏ chính mình của chúng ta đang trong cảnh tình “đơn thương, độc mã”. Độc mã, đơn thương để chiếm được Nước Trời, để có được hạnh phúc thật quả là một sự liều lĩnh thiếu khôn ngoan và không lượng sức.
Biết sống, biết hành xử với nhau như là bạn hữu thì chúng ta luôn là bạn hữu của Chúa Kitô. Có người bạn Giêsu đồng hành thì chuyện vác thập giá, chuyện từ bỏ chính mình cho dù vẫn là khó nhưng luôn là có thể được. “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Có người bạn có thể làm được mọi sự luôn ở bên ta, đồng hành với ta thì không có gì là không thể.
Đôi bạn trẻ đã đính hôn xem ra khá hạnh phúc chỉ một nổi vóc dáng bên ngoài như đôi đũa lệch. Chàng ta “ngắn tầm” hơn cô nàng gần 20 phân (20 cm). Sau buổi học giáo lý hôn nhân, được sự đồng ý của cô nàng, anh chàng bèn trao nụ hôn đầu đời cách say đắm trong cái thế phải đứng trên viên đá chẽ của công trình đang xây dựng, để cho vừa tầm cao. Sau đó anh chị bên nhau đi về. Cô nàng thoáng thấy người yêu dáng đi hơi nặng nhọc mà chưa hiểu nguyên do. Có lẽ vì trời tối. Đi được một quảng anh chàng thỏ thẻ xin lặp lại “việc yêu” như ban nảy. Gật đầu chấp thuận thì cô nàng chợt thấy người yêu dừng lại, đặt viên đã lớn đã giấu sau lưng, mang theo nảy giờ, rồi đứng lên trên bày tỏ tình yêu. Được yêu nhưng xem chừng quá vất vả. Không biết kiên trì được bao lâu. Bỗng khi tay trong tay, anh chàng nghe cô nàng thầm thỉ : “Anh ơi, đừng cố vất vả quá! Em cúi xuống một chút là ổn thôi”.
Làm bạn của Giêsu thì hơn làm môn đệ của Người. Một kiểu khôn ngoan mà rất nhiều vị thánh như Gioan Thánh Giá, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng Giêsu...đã chọn lựa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa - Thuận Hiếu - Ban Mê Thuột

Chúa Nhật XXII Thường Niên C : TÔI LÀ NGƯỜI KHIÊM TỐN NHẤT TRẦN GIAN


Xưa lẫn nay và đến muôn đời, người khiêm tốn đều đáng được người đời mến phục, kính yêu. Trái lại, kẻ kiêu ngạo thì đều bị chê trách. Nếu họ là người quyền cao, chức trọng thì người ta có thể sợ, nhưng không hề kính chút nào. Sách Huấn ca cho ta những lời dạy thiết thực: “Con ơi… càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường. Kẻ kiêu ngạo thì vô phương cứu chữa, vì sự xấu xa đã ăn sâu mọc rễ trong nó”(Hc 3,18.20.28).
Bài tin mừng Chúa Nhật hôm nay tường thuật chuyện Chúa Giêsu nhân thấy nhiều người thích chọn chỗ nhất trong bữa tiệc nên đã lên tiếng dạy về đức khiêm nhường. Chắc hẳn Chúa Giêsu không muốn dạy chúng ta sống khiêm nhượng kiểu “ống điếu”, tức là cố tình hạ mình xuống để được người ta nâng lên. Với kiểu nói ngoa ngữ như ngụ ngôn, Chúa Giêsu đã làm nổi rõ cái hậu quả rất khác biệt giữa người khiêm tốn và kẻ kiêu ngạo. Vậy thế nào là khiêm tốn đích thực đây? Không gì hơn hãy nhìn vào cuộc đời, thái độ sống của Giêsu Kitô, Đấng đã minh nhiên mời gọi hãy học cùng Người vì Người hiền lành và khiêm nhượng (x. Mt 11,28-30). Qua cuộc đời của Đấng Cứu Độ, chúng ta có thể nói rằng khiêm tốn là nhìn nhận sự thật, sống trong sự thật và làm chứng cho sự thật (x.Ga 18,37).
Sự thật thứ nhất: Nhìn nhận những gì chúng ta là, chúng ta có đều là do bởi lãnh nhận. Chúa Giêsu đã nhiều lần khẳng định Người bởi Chúa Cha mà ra và mọi sự Người có đều do Cha ban tặng (x.Ga 7,29; 16,28; 17,1-26). Vì sao có nhiều người ngông cuồng, tự cao tự đại? Xin thưa rằng trên hết, trước hết là vì họ vô tình hay chủ ý quên mất sự thật này: họ được tạo thành chứ không phải tự mình mà có. Nếu giả như họ xác tín rằng ngay chính sự sống và những khả năng, chức phận, những thành quả hay công nghiệp của họ đều do bởi đã lãnh nhận, thì chắc chắn sẽ không có lý do gì để lên mặt, để tự mãn trong cao ngạo hay cuồng ngông.
Sự thật thứ hai: Nhìn nhận rằng chúng ta chỉ thực sự là mình nếu biết sống và hoạt động theo ý Đấng tạo nên chúng ta. Chúa Kitô nhiều lần khẳng định rằng Người đến thế gian này không phải làm theo ý riêng mà để chu toàn thánh ý Chúa Cha (x.Ga 6,38; 7,17). Người nhìn nhận việc thực thi thánh ý Chúa Cha chính là lẽ sống của Người. “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người”(Ga 4,34). Khi đã tin nhận rằng những gì chúng ta đang là, đang đều do bởi đã lãnh nhận từ ai đó thì việc sử dụng sự sống mình, các khả năng của mình theo ý người ban tặng là lẽ tất yếu đương nhiên. Một trong những ý nghĩa của cuộc đời con người đó là sống cho tha nhân, sống vì tha nhân. “Con Người đến thế gian này không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mt 20,28).
Khi truyền bảo những người dọn tiệc đãi khách thì đừng mời những người thân quen, chức cao quyền lớn, mà hãy mời những người tàn tật, đui mù, nghèo hèn.. chắc chắn Chúa Giêsu muốn dạy người đương thời và chúng ta mọi thời rằng những gì chúng ta đang có như của cải, quyền uy đều do đã lãnh nhận và phải sử dụng chúng theo thánh ý Cha trên trời, Đấng muốn chúng ta phải yêu thương nhau một cách vô vị lợi, không chút tính toán thiệt hơn. Thể hiện tình yêu với những người nghèo hèn, bé mọn là một cách thế sống tình yêu vô vị lợi cách rõ nét.
Trong một dịp tỉnh tâm, một linh mục bạn thân dí dỏm: “Thưa các cha, con đây học hành kém cỏi, khả năng thì hạn chế. Tóm lại, tài thì mọn và đức cũng kém, cái gì cũng xin thua các cha, may ra có đức khiêm tốn thì trỗi vượt tất cả. Con thành thật thú nhận mình khiêm tốn nhất trần gian”. Quả thật, dù là giám mục hay linh mục, dù là tu sĩ hay giáo dân trong bậc hôn nhân, đang độc thân hay góa bụa, dù có chút địa vị hay chỉ là hạng “phó thường dân”, thảy chúng ta đều vướng phải cái tội của tổ tiên đó là sự kiêu ngạo. Sự kiêu căng ở đây chủ yếu không phải là thái độ cao ngạo, hống hách cách hịch hỡm đáng ghét, nhưng chính là tình trạng xa rời sự thật. Tên cám dỗ của vườn địa đàng thưở nào đã khiến tiên tổ và cả chúng ta mọi thời quên mất sự thật là chúng ta vốn là loài thụ tạo (x.St 3,1-7). Hữu ý hay vô tình lãng quên sự thật này thì chúng ta dễ lầm tưởng rằng những gì tốt đẹp chúng ta đang là, đang có là do chính bàn tay chúng ta làm nên. Đây chính là căn nguyên của sự kiêu ngạo đáng trách và cũng đáng phạt.
Trong hỏa ngục rất có thể có những người rộng rãi bố thí cho người nghèo. Cũng rất có thể có nhiều người đã từng làm nhiều phép lạ, những người giảng dạy các chân lý cao sâu…nhưng chắc chắn sẽ không hề có bóng dáng một người sống khiêm nhu, biết nhìn nhận và sống trong sự thật. “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm…Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”(Lc 23,41-42). Khi biết nhìn nhận sự thật, người gian chịu treo bên phải Chúa Giêsu năm nào đã nhận được thành quả của sự khiêm nhu: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

Chúa Nhật XXI Thường Niên C : CỬA HẸP


Thoạt nghe đến từ cửa hẹp người ta nghĩ ngay đến những gian truân, khó khăn, vất vả. Sự liên tưởng này không sai, nhưng nguời ta có thể lầm khi chỉ dán mắt vào độ hẹp của cánh cửa mà quên nhìn thực tại đằng sau nó. Đó là Nước Trời, là Vương quốc của tình yêu, là hạnh phúc vĩnh cửu. Các biến cố lịch sử thường được nhìn nhận cách khách quan và trung thực hơn sau một thời gian cần thiết nào đó. Tương tự như thế, có nhiều sự thật chỉ được biểu lộ hay được nhận biết cách khá chính xác hơn với cái nhìn từ phía sau. Chúng ta cần phải tự hỏi rằng Thiên Chúa ban hạnh phúc vĩnh cửu, vương quốc Nước trời cho những ai? Thật dễ dàng trả lời đó là cho tất cả những tạo vật mà Người dựng nên, các loài hữu hình và vô hình mà trong đó có loài người chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhẩt trong các loài hữu hình được tạo dựng.
“You get what you pay” (tiền nào của nấy). Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Và chắc chắn để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực gắng công càng nhiều hơn gấp bội. Có nhiều cách thế cũng như lãnh vực phải gắng công để đạt hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng trong tất cả những sự gắng công ấy thì việc nỗ lực trở nên “con người” là một nỗ lực nền tảng, không thể thiếu. Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời cho con người thì có thể nói cách không thể sai lầm rằng những ai đích thực là con người thì sẽ được hưởng nhận hạnh phúc ấy.
Theo nhãn quan này thì việc bước qua cửa hẹp chính là những cố gắng để trở nên con người như thuở ban đầu được tạo dựng. Trước khi Ngôi Lời nhập thể, dù được ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn qua vũ trụ thiên nhiên và đặc biệt qua tiếng lương tâm, nhưng con người khi tìm cách trở nên chính mình, trở nên con người, thì vẫn một cách nào đó còn mò mẩm như đi trong đêm tối. Các hiền triết cổ đại thường mời gọi đồng loại ưu tiên cho việc “biết mình”. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân. Đến thời viên mãn với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thì chân dung và căn tính “con người” đã được mạc khải cách toàn hảo nơi chính Đức Giêsu Kitô. “Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” là “Trưởng tử giữa các loài thọ tạo”(x.Col 1,1). Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta cùng xem Chúa Kitô đã trình bày chân dung “Con Người” như thế nào.
Con người được tạo dựng có nam có nữ (x.Mc 10,6): Con người là loài được dựng nên chứ không phải tự mình mà có hay hiện hữu cách ngẫu nhiên. Dữ kiện phái tính cách nào đó khẳng định tính hữu hạn và tính hướng tha của con người. “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Nhiều thi nhân ví von cuộc đời như là quá trình tìm kiếm cái phần nửa của bản thân mình. Hội Thánh dạy rằng con người là hữu thể hướng đến tha nhân và hướng về Tuyệt đối. Như thế bước qua cửa hẹp là nỗ lực làm chủ khuynh hướng tìm mình cách vị kỷ cũng như làm chủ sự tự mãn, tự cao cho mình hoàn hảo hay toàn năng.
Con người là loài có thể xác nên có các nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi…(x.Mt 11,19). Tuy nhiên con người còn có linh hồn thiêng liêng làm linh động thân xác. Mặc dù có sự góp phần không thể thiếu của thân xác, nhưng chính linh hồn qua các cơ năng luận suy, phán đoán, chọn lựa mới làm nên giá trị tốt, xấu, đúng sai của các hành vi. Vì không phải những gì bên ngoài vào trong con người làm cho con người ra ô uế mà chính những gì bên trong phát xuất ra…(x.Mt15,11). Bước qua cửa hẹp là nỗ lực thanh luyện linh hồn đồng thời dùng linh hồn để hướng dẫn và làm chủ thân xác.
Lề luật hay ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat hay vì lề luật (Mt 12,8; Mc 2,28). Khi sống thành bầy đoàn, loài vật giành giật và duy trì địa vị thống trị của chúng chủ yếu bằng sức mạnh của cơ bắp. Dĩ nhiên khi đã già yếu thì vị trí thống trị của chúng bị đe dọa và đến lúc nào đó bị tước đoạt bởi cá thể khác mạnh hơn. Con người thì nhờ có lý trí đã biết vận dụng lề luật để duy trì quyền uy và sự thống trị của mình. Là sản phẩm do tay con người lập nên, lề luật đã được khách quan hóa thành ý của thần minh, thành ý trời, để một cách có chủ ý phục vụ quyền lợi cho những người làm nên lề luật ấy. Như thế, một cách nào đó con người đã tự phong thần phong thánh cho bản thân. Khi bắt người khác tuyệt đối quy phục lề luật mình làm ra thì mình đã nô lệ hóa tha nhân bằng chính ý chí chủ quan của mình. Bước qua cửa hẹp chính là nỗ lực cởi bỏ những ràng buộc khiến ta và tha nhân trở thành nô lệ cho sản phẩm của con người, để đưa chính mình và tha nhân trở thành những chủ nhân thực sự đối với các thực tại trần thế theo thánh ý Thiên Chúa truyền ngay tự buổi đầu thưở tạo dựng (x.St 1,26; 2,20)
Con Người đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x.Mc 10,45). Đến thế gian này, một trong những sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa đó là mạc khải cách đủ đầy và hoàn hảo căn tính của con người, vốn là loài được dựng nên, là hình ảnh của Thiên Chúa. Nét khác biệt và sự trỗi vượt của loài người trên các loài thọ tạo hữu hình không chỉ được thể hiện bằng trí khôn, một khả năng giúp con người ngày càng phát triển mọi mặt, mà còn được thể hiện qua ý chí tự do. Các loài vật bậc thấp khi yêu thích sự gì thì bị thôi thúc chiếm hữu nó bằng mọi giá. Trái lại tình yêu nơi con người lên đến đỉnh cao nơi động thái dâng hiến. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu tự hiến thân vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Bước qua cửa hẹp là gột bỏ những rào cản khiến chúng ta không thể yêu thương tha nhân bằng sự tự hạ mà dâng hiến, bằng sự quên mình để phục vụ như Chúa Kitô đã yêu thương (x.Ga 13,34).
“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Thiên Chúa yêu thương trao ban Hạnh Phúc Nước Trời cho con người. Như thế chúng ta có thể nói rằng để được vào Nước Trời, tức là để có được hạnh phúc đích thật thì chúng ta phải là con người. Vào qua cửa hẹp chính là sự nỗ lực gắng công từng ngày gột bỏ những gì khiến chúng ta không còn là con người hoặc làm chân dung con người nơi chúng ta bị biến dạng. Một vài điều cần gột bỏ đó là sự tự cao, tự đại cho mình toàn năng, toàn hảo hay toàn tri; đó là sự vụ lợi ích kỷ; đó cũng là những ý đồ thống trị tha nhân bằng sức mạnh của quyền lực, thế quyền và lẫn thần quyền, bằng các thể chế luật lệ phi nhân, bất hợp lý do chính mình dựng nên để phục vụ cho quyền lợi của bản thân mình, tập thể của mình…

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

Bài đăng xem nhiều nhất :