Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Edmund Husserl

Edmund Husserl là nhà sáng lập chính của Hiện tượng học – và vì thế là một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hầu hết mọi lĩnh vực triết học và đã dự báo các ý niệm trung tâm của các bộ môn họ hàng với nó như Ngôn ngữ học, Xã hội học và Tâm lý học nhận thức [tri nhận].
• 1. Cuộc đời và Công việc
2. Logic học thuần túy, Nghĩa, trực quan hoàn tất và Tính ý hướng
3. Tính hàm chỉ và nội dung mệnh đề
4. Tính cá biệt và chân trời-ý hướng tính
5. Treo lửng [epoché] hiện tượng học
6. Treo lửng [epoché] cục bộ, noema tri giác, hýle và ý thức–thời gian
7. Sự cảm thông, tính liên-chủ thể và Sinh giới
8. Cấu tạo liên-chủ thể của tính khách quan
________________________________________
1. Cuộc đời và công việc
Husserl sinh ở Prossnitz (Moravia) vào ngày 8 tháng 4 năm 1859. Trong những năm 1876–1878, ông học Thiên văn học ở Leipzig, ở đó ông cũng dự các khóa giảng về Toán học, Vật lý học và Triết học. Trong các môn đó, ông đã nghe các bài giảng của Wilhelm Wundt về Triết học. (Wundt là người tạo ra học viện đầu tiên cho Tâm lý học thực nghiệm). Giảng viên của Husserl là giáo sư triết học Thomas Masaryk, một sinh viên cũ của Brentano. Sau này Thomas Masaryk trở thành tổng thống đầu tiên của Czechoslovakia . Những năm 1878 – 1881, Husserl tiếp tục học Toán, Vật Lý và Triết học ở Berlin . Những thầy giáo dạy Toán của ông ở đó gồm Leopold Kronecker và Carl Weierstrass, đây là những người thấy mà Husserl đặc biệt ấn tượng với tâm thức khoa học của họ. Tuy nhiên, Husserl lấy bằng Tiến sĩ Toán học ở Vienna , với luận án là lý thuyết về các đại lượng biến thiên (tháng 1, năm 1883). Sau đó, ông trở lại Berlin , trở thành trợ giảng cho Weierstrass. Khi Weierstrass lâm bệnh nặng, Masaryk đề nghị Husserl quay lại Vienna để học Triết với Franz Brentano, tác giả của cuốn Psychology from an Empirical Standpoint [Tâm lý học từ một điểm nhìn thường nghiệm] (1874). Sau một thời gian ngắn đi nghĩa vụ quân sự ở Vienna , Husserl đi theo lời khuyên của Masaryk và đến học với Brentano từ năm 1884 – 1886. Sau này Brentano giới thiệu Husserl với học trò của ông là Carl Stumpf ở Halle , ông này có lẽ nổi tiếng với cuốn Psychology of Tone [Tâm lý học về giọng nói] (hai tập, 1883/90). Sự giới thiệu này cho phép Husserl chuẩn bị trình bày luận văn ra mắt với Stumpf, cuốn On the Concept of Number [Bàn về Khái niệm về con số] (1887).
Luận điểm ấy sau này được tập hợp trong chuyên khảo xuất bản lần đầu của Husserl, cuốn Philosophy of Arithmetic [Triết học về Số học], xuất bản năm 1891. Trong cuốn này, Husserl kết hợp các năng lực toán học, tâm lý học và triết học của mình để gắng đặt một nền tảng tâm lý học cho số học (xem Willard 1984, tr 38-118; Bell 1990, tr, 31-84). Tuy nhiên, cuốn này đã bị Gottlob Frege phê phán trong một bài phê bình của ông về thuyết duy tâm lý nằm bên dưới của nó. Có vẻ như Husserl rất xem trọng sự phê phán này (xem Føllesdal 1958). Bất luận thế nào thì ông cũng đã loại bỏ thuyết duy tâm lý và phát triển phương pháp triết học đã khiến ông nổi danh cho đến tận ngày nay: đó là Hiện tượng học.
Tác phẩm Hiện tượng học đầu tiên của ông trong năm 1900-1901 được xuất bản thành 2 tập, có tiêu đề là Logical Investigations [Các nghiên cứu Logic học]. Tập một gồm một sự công kích mạnh mẽ vào thuyết Duy tâm lý, trái lại tập hai (lớn hơn) gồm 6 nghiên cứu “tâm lý học-mô tả” và “nhận thức luận” về 1) sự biểu đạt và nghĩa; 2) những cái phổ quát; 3) Hữu thể học hình thức về các bộ phận và những cái tổng thể (thuyết Quan hệ [mereology]); 4) cấu trúc “cú pháp” và “quan hệ bộ phận-tổng thể” [mereological] của nghĩa; 5) bản tính và cấu trúc của tính ý hướng, và 6) mối tương quan của chân lý, trực quan và nhận thức. Lúc này, Husserl đi theo một phiên bản thuyết Plato mà ông rút ra từ các ý niệm của Hermann Lotze và nhất là Bernard Bolzano, nơi ông thâu gồm thuyết Plato về nghĩa và nội dung tinh thần vào một lý thuyết về ý thức có tính ý hướng (xem Beyer 1996).
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Husserl đã định nghĩa lại và chỉnh sửa đáng kể phương pháp của ông thành cái mà ông gọi là “hiện tượng học siêu nghiệm”. Phương pháp này tập trung vào các cấu trúc bản chất vốn đã làm cho việc các đối tượng “cấu thành chính chúng” trong ý thức là hiển nhiên một cách ngây thơ trong “thái độ tự nhiên” (vốn đặc trưng cho cả đời sống hàng ngày lẫn khoa học thông thường của ta). (Những người ảnh hưởng đến Husserl trên phương diện này gồm Descartes, Hume và Kant). Như Husserl giải thích chi tiết trong tác phẩm lớn thứ hai của ông, cuốn Ideas (1913), viễn tượng được dẫn ra về vương quốc của ý thức có tính ý hướng được cho là cho phép nhà hiện tượng học phát triển một sự biện minh không bị tiên kiến tự nền tảng cho các quan điểm cơ sở của họ về thế giới và chính mình và khảo sát những mối tương tác qua lại thuần lý của các quan điểm ấy.
Husserl đã phát triển các ý niệm này ở Göttingen, ở đó – nhờ cuốn Logical Investigations — ông đã nhận được một chức giáo sư trợ giảng năm 1901. Từ năm 1910/1911, ông làm việc như (đồng) biên tập đặt nền tảng cho tạp chí Logos (bài báo đầu tiên đăng bài “Philosophy as a Rigorous Science [Triết học như một khoa học tinh xác], gồm một phê phán về thuyết Duy nhiên), và năm 1913 (đồng) biên tập đặt nền tảng cho Yearbook for Phenomenology and Phenomenological Research [Niên giám về Hiện tượng học và Nghiên cứu hiện tượng học] (mở đầu bằng bài Ideas Pertaining to a Pure Phenomenology and to a Phenomenological Philosophy [Các ý niệm gắn với một Hiện tượng học thuần túy và với một Triết học hiện tượng học] của ông). Husserl ở lại Göttingen cho mãi đến năm 1916. Chính ở đây ông đã đưa ra những khám phá triết học quan trọng nhất của mình (xem Mohanty 1995), như phương pháp hiện tượng học siêu nghiệm, cấu trúc hiện tượng học của ý thức-thời gian, vai trò nền tảng của khái niệm tính liên-chủ thể trong hệ thống khái niệm của chúng ta, cấu trúc-chân trời của tư tưởng thường nghiệm cá biệt của ta, và nhiều khám phá khác nữa. Trong các tác phẩm về sau – nổi tiếng nhất là cuốn On the Phenomenology of the Consciousness of Internal Time [Về Hiện tượng học về Ý thức về thời gian bên trong] (1928), Formal and Transcendental Logic [Logic học hình thức và siêu nghiệm] (1929), Cartesian Meditations [Những suy niệm của Descartes] (1931), The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology [Sự khủng hoảng của các khoa học và Hiện tượng học ở châu Âu] (1936/54) và Experience and Judgement [Kinh nghiệm và Phán đoán] (1939) — những kết quả này được phát triển xa hơn và được đặt vào trong các ngữ cảnh mới, như dự án mở đường cho việc nối kết các khái niệm cơ sở của khoa học quay trở lại với các gốc rễ khái niệm của chúng trong (các khu vực) “sinh giới” tiền-khoa học (cuốn Crisis).
Năm 1916, Husserl trở thành người kế vị của Heinrich Rickert như một giáo sư thực thụ ở Freiburg/Breisgau, nơi mà (giữa nhiều việc khác) ông đã tiến hành nghiên cứu về sự tổng hợp thụ động (xem Husserliana, vol. XI, XXXI). Ông đưa ra 4 bài giảng về Phenomenological Method and Phenomenological Philosophy [Phương pháp Hiện tượng học và Triết học Hiện tượng học] tại University College , London , năm 1922 (xem Husserliana, vol. XXXV). Năm 1923, ông nhận được lời mời về Berlin , nhưng ông đã từ chối. Husserl nghỉ hưu năm 1928, người kế nghiệm ông là Martin Heidegger (tác phẩm chính của Heidegger là cuốn Being and Time đã được xuất bản trong cuốn Niên giám của Husserl năm 1927). Năm 1929, ông nhận một lời mời đến Paris . Các bài giảng của ông ở Berlin được xuất bản dưới tên gọi là Cartesian Meditations năm 1931. Trong cùng năm, Husserl cũng có nhiều bài thuyết giảng về “Hiện tượng học và Nhân học”, trong đó ông phê phán hai “kẻ tương phản” với ông là Heidegger và Max Scheler (xem Husserl 1997). Năm 1993, Hitler nắm quyền ở Đức. Husserl nhận được lời mời đến Los Angeles nhưng ông đã từ chối. Do là người gốc Do thái, ông ngày càng bị nhục mạ và bị cô lập nhiều hơn. Năm 1935, ông đưa ra một loạt các bài giảng được mời giảng ở Prague , kết quả là tác phẩm lớn cuối cùng của ông, cuốn The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology.
Edmund Husserl mất vào ngày 27 tháng 8 năm 1938 ở Freiburg . Các bản thảo của ông (hơn 40.000 trang cả thảy) đã được Franciscan Herman Leo Van Breda cứu thoát mang về Leuven (Bỉ), nơi mà thư khố Husserl đầu tiên được xây dựng năm 1939. (Ngày nay, có các thư khố khác sâu hơn ở Freiburg, Cologne , Paris , New York và Pittsburgh ). Từ năm 1950, các thư khố Husserl đang biên tập các tuyển tập của Husserl, bộ Husserliana.
2. Logic học thuần túy, Nghĩa, Trực quan hoàn tất, và Tính ý hướng
Với tư cách là một nhà toán học có tinh thần triết học, Husserl quan tâm đến việc phát triển một lý thuyết tổng quát về các hệ thống qui chiếu, mà (đi theo Bolzano) ông quan niệm như một lý thuyết về khoa học, trên nền tảng rằng mọi khoa học (kể cả Toán học) đều có thể được nhìn như một hệ thống các mệnh đề có tương tác qua lại bởi một tập hợp các mối quan hệ qui chiếu. Đi theo John S. Mill, ông lập luận trong Logical Investigations rằng con đường tốt nhất để nghiên cứu bản tính của các hệ thống mệnh đề là bắt đầu với những biểu hiện ngôn ngữ học của chúng, tức là (các nhóm) câu, những phát biểu (xác quyết) về nó.
Chúng ta phải phân tích các câu ấy và các mệnh đề mà chúng thể hiện như thế nào? Lối tiếp cận của Husserl là nghiên cứu các đơn vị của ý thức mà người phát ngôn tương ứng thể hiện như đang có – “bày tỏ ra” – trong việc thể hiện mệnh đề đang nói đến (chẳng hạn, khi viết một cuốn giáo khoa Toán học hay giảng bài). Những đơn vị này của ý thức được ông gọi là những hành vi có tính ý hướng hay những kinh nghiệm có tính ý hướng, vì chúng luôn trình bày cái gì đó như cái gì đó – vì thế thể hiện cái mà Brentano gọi là tính ý hướng. Theo Husserl, cũng có các đơn vị không có tính ý hướng của ý thức. (Ông trích dẫn nỗi đau làm ví dụ). Điều phân biệt giữa các kinh nghiệm có tính ý hướng với các kinh nghiệm không có tính ý hướng là việc cái trước có nội dung có tính ý hướng.
Thậm chí các kinh nghiệm có tính ý hướng mà không có đối tượng (tức trống rỗng) như tư tưởng của bạn về con ngựa có cánh Pegasus chẳng hạn cũng có nội dung. Theo quan niệm của Husserl, tư tưởng ấy đơn giản là thiếu một đối tượng tương ứng; hành vi tính ý hướng đơn thuần là “như thể về” một đối tượng. Trong trường hợp các hành vi mệnh đề, tức là các đơn vị của ý thức vốn có thể được mang lại tiếng nói bằng một câu hoàn chỉnh, Husserl xác định nội dung của chúng với nghĩa mệnh đề được biểu hiện bằng câu ấy. Trong trường hợp các bộ phận không có mệnh đề nhưng vẫn có tính ý hướng của chúng, ông xác định nội dung ý hướng tương ứng với một nghĩa mệnh đề-phụ. Ví dụ, phán đoán “Napoleon là một người Pháp” chứa đựng một hành vi suy tưởng về Napoleon mà nội dung ý hướng của nó là nghĩa mệnh đề-phụ được biểu hiện bằng cái tên “Napoleon”. (Do đó, phán đoán ấy có thể được xem xét như một hành vi gán đặc tính là người Pháp làm qui chiếu cho cái tên ấy). Các kinh nghiệm như vậy, tức những kinh nghiệm có thể được bày tỏ ra bằng một từ cá biệt hoặc một từ tổng quát, được gọi là “những hành vi duy danh” (đối lập với các hành vi mệnh đề chứa đựng chúng). Các nội dung của chúng được gọi là “các nghĩa duy danh”.
Husserl xem cả nghĩa mệnh đề lẫn nghĩa duy danh như vấn đề chính của “Logic học thuần túy” hay “Logic học theo nghĩa rộng” – tức ngành nghiên cứu về 1) cái gì phân biệt cái có nghĩa [hay nghĩa] với cái không có nghĩa (phần này của Logic học thuần túy được gọi là “ngữ pháp thuần túy”) và 2) các nghĩa nào được mang lại bởi ngữ pháp thuần túy đều nhất quán trên phương diện lôgic và các nghĩa nào thì không (phần này của Logic học thuần túy được gọi là “Logic học theo nghĩa hẹp”).
Một tuyên bố quan trọng và hầu như vẫn chưa được khảo sát của Husser là [tuyên bố rằng] mọi nghĩa nhất quán về mặt logic đều có thể về nguyên tắc là được hoàn thành trên phương diện chủ thể, ít nhiều tương ứng, bằng một trực quan thống nhất, như một hành vi tri giác liên tục hoặc trí tưởng tượng trực quan, ở đó cấu trúc và các đặc điểm bản chất khác của nghĩa đang nói đến có thể được biểu thị từ phương cách tương ứng trong việc hoàn thành trực quan. Các nghĩa không nhất quán có thể được tách riêng ra và được nghiên cứu bằng (sự phản tư về) các kinh nghiệm tương ứng của sự xung đột trực quan, ví dụ như sự dao động tới lui riêng rẽ giữa một sự hình dung-ra-đầu vịt và một sự hình dung-ra-đầu thỏ trong trường hợp về một sự hình dung bằng trực quan cố gắng nhìn ra một hình-đầu vịt cùng lúc với việc nhìn ra một hình-đầu thỏ. Một số nghĩa là không nhất quán vì các lý do logic hình thức. Theo Husserl, mọi mệnh đề sai trên phương diện phân tích đều thuộc về loại này. Các nghĩa khác là không nhất quán vì chúng xung đột với một chân lý tiên nghiệm cần thiết tổng quát nào đó, còn được gọi là “luật bản chất”. Mệnh đề được trình bày bằng câu “có các đối tượng tri giác mà bề mặt của chúng (có thể thấy được) vừa hoàn toàn là màu xanh lá cây vừa cùng lúc đồng thời hoàn toàn là màu đỏ” là một trường hợp thực tế.
Các nghĩa nói chung và các mệnh đề nói riêng đều tồn tại độc lập với hoạt động chức năng thực tế của chúng như nội dung có tính ý hướng. Vì thế, các mệnh đề đúng như định lý của Pythagoras có thể được khám phá. Các mệnh đề và các thành tố của chúng là các đối tượng trừu tượng, tức là, các đối tượng phi thời gian. Tuy nhiên, việc nắm bắt được một mệnh đề hoặc, chung hơn là, một nghĩa, có nghĩa là gì? Làm thế nào một đối tượng trừu tượng có thể trở thành nội dung của một hành vi có ý hướng? Sau khi nối kết các ý niệm của Bolzano và Lotze, Husserl trả lời câu hỏi này bằng việc cầu đến khái niệm về một loại hoặc kiểu ý thể [ideal] (tức, trừu tượng) như sau. Các mệnh đề và các nghĩa khác là những loại ý thể vốn có thể (nhưng không phải) được minh họa bằng các đặc điểm đặc thù nhất định, tức là, bằng các bộ phận phụ thuộc, của các hành vi có tính ý hướng. Những loại này còn được gọi là “các nội dung ý thể”. Các đặc điểm đặc thù minh họa một nội dung ý thể - Husserl qui đến chúng như “các mô men[1] của nội dung” – được đặt ra một cách trần trụi bằng sự mô tả Hiện tượng học, một sự phân tích đặt cơ sở trên sự phản tư (hoặc nội quan) về cả (những) biểu đạt ngôn ngữ học (nếu có) lẫn các phương cách trực quan hoàn tất (có thể có) hoặc sự xung đột đi kèm với kinh nghiệm tương ứng.
Vì mô tả Hiện tượng học sinh ra các loại ý thể, nó liên quan đến cái mà sau này Husserl (nhất là trong cuốn Ideas) gọi là “qui giản ý thể”, tức một sự khai mở những đặc điểm trừu tượng được chia sẻ chung bởi các nhóm thích hợp về các ví dụ hư cấu hoặc đời thực, bằng cách, chẳng hạn như, biến đổi tưởng tượng tự do về một ví dụ lúc đầu được chọn lựa tùy tiện (về phương pháp “biến đổi tự do”, xem Experience and Judgement, mục 87).
Mô tả Hiện tượng học cũng sinh ra “mô men về chất” của kinh nghiệm có tính ý hướng dưới sự nghiên cứu, tức là, đặc điểm đặc thù minh họa phương cách tâm lý học của nó (phán đoán, sự cân nhắc có ý thức, ham muốn có ý thức, hy vọng có ý thức, v.v..), vốn tương ứng đại khái với phương cách hành vi nói của một sự phát biểu mang lại tiếng nói cho kinh nghiệm ấy. Hơn nữa, mô tả này sinh ra những mối quan hệ của “nền tảng”, tức những sự phụ thuộc qua lại tương đối hoặc một chiều trên phương diện tồn tại giữa 1) kinh nghiệm đang nói đến với các kinh nghiệm khác và 2) các đặc điểm mô tả đặc thù của kinh nghiệm. Vì vậy, một kinh nghiệm về sự vui sướng về một sự kiện được mang lại là được đặt nền tảng một chiều, có liên quan đến dòng ý thức chứa đựng nó, trong một trạng thái-niềm tin đặc thù đối với kết quả mà sự kiện ấy xuất hiện. (Sự tương quan hóa đến một dòng ý thức đặc thù đảm bảo rằng cả kinh nghiệm được đặt nền tảng lẫn kinh nghiệm đặt nền tảng đều xuất hiện trong tâm trí của cùng một con người). Giống như mọi mối quan hệ nền tảng, mối quan hệ này được xem như một luật bản chất, với kết quả là sự vui sướng có ý thức về Vấn đề nào đó đòi hỏi một niềm tin tương ứng (và đồng thời). Rất thường, một đối tượng a cho sẵn thuộc kiểu F được đặc nền tảng trên một đối tượng b cho sẵn thuộc kiểu G (trong đó a là khác với b, và F khác với G) có liên quan đến một cái tổng thể đặc thù c thuộc kiểu H khi và chỉ khi 1) có một luật bản chất cho rằng với mọi đối tượng x thuộc kiểu F, có một đối tượng y thuộc kiểu G và một tổng thể z thuộc kiểu H, sao cho cả x và y đầu là các bộ phận (riêng) của z, và 2) cả a và b đều là các bộ phận (riêng) của c. Dĩ nhiên, khái niệm về một luật bản chất đòi hỏi phải làm sáng tỏ thêm.
3. Tính Hàm chỉ và Nội dung mệnh đề
Tuy nhiên, như Husserl đã có ý thức rất rõ rằng, lý thuyết-loại về nội dung đối mặt ít nhất một sự phản bác nghiêm trọng. Nó liên quan đến những sự phát biểu về “cái ngẫu nhiên bản chất”, tức là những biểu đạt nằm trong ngữ cảnh-cảm tính có hệ thống như “tôi bây giờ ở đây” và (như người ta có thể gọi là) các kinh nghiệm hàm chỉ mà chúng bày tỏ ra. Nếu nội dung của một kinh nghiệm hàm chỉ là phải đóng vai trò như một nội dung mệnh đề (-phụ), nó phải xác định duy nhất đối tượng (nếu có) mà kinh nghiệm tương ứng chỉ đến. Có nghĩa là: nếu hai kinh nghiệm hàm chỉ biểu hiện cùng một nội dung có tính ý hướng giống nhau, chúng phải qui đến cùng đối tượng giống nhau (nếu có). Mặc dù, có vẻ như các mô men của nội dung của hai kinh nghiêm ấy có thể minh họa cùng một nội dung ý thể giống nhau – tức cùng kiểu nội dung (đặc thù) giống nhau – trong khi hình dung các đối tượng khác nhau. Nếu bạn và tôi đều nghĩ “tôi ở đây”, các tư tưởng tương ứng của chúng ta cùng chia sẻ chung kiểu nội dung giống nhau, hay có vẻ như vậy, nhưng chúng thể hiện những Vấn đề khác nhau. Để dàn xếp sự quan sát này, Husserl nêu ra một sự phân biệt giữa, một mặt, “chức năng về nghĩa tổng quát” của một phát biểu (cái này tương ứng với cái mà David Kaplan gọi là “tính cách”, đại thể là: nghĩa ngôn ngữ học của sự biểu đạt được sử dụng) và, mặt khác, “nghĩa tương ứng” (tức nội dung mệnh đề hoặc mệnh đề-phụ được biểu đạt trong ngữ cảnh phù hợp của sự phát biểu). Tuy nhiên, việc sự phân biệt này có thực sự giúp Husserl vượt qua khó khăn mà hiện tượng về tính cảm giác của ngữ cảnh đặt ra cho lý thuyết về loại về nội dung được hay không là khả nghi. Nếu các nội dung có tính ý hướng là các nội dung ý thể theo nghĩa là các kiểu nội dung đặc thù, và nếu loại của kiểu này có thể duy trì thường xuyên trong khi đối tượng có ý hướng và vì thế nội dung mệnh đề (-phụ) khác nhau, thì chắc chắn là các nội dung có ý hướng được quan niệm như thế không thể luôn đóng chức năng như các nội dung mệnh đề (-phụ), như lý thuyết của Husserl đã có. Đúng hơn, một nội dung có tính ý hướng khác nữa phải được bao hàm, tức là “nghĩa tương ứng”, đóng vai trò như nội dung mệnh đề (-phụ) của kinh nghiệm hàm chỉ. Và nội dung này không có vẻ gì là một loại ý thể. (Tuy nhiên, ta có thể tranh cãi rằng thậm chí các nội dung mệnh đề (-phụ) của những phát biểu hiàm chỉ cũng có thể được minh họa tăng lên trong tư tưởng và lời nói, vì thế xét cho cùng thì cũng được định tính chất như các loại ý thể. Nhưng vấn đề then chốt là liệu điều này có đúng trong tính phổ biến hoàn toàn không: hãy xem xét ví dụ “tôi bây giờ ở đây” ở trên).
Tuy nhiên, có thể là, Husserl xem các nội dung mệnh đề (-phụ) (“các nghĩa tương ứng”) như có hai chức năng, với chức năng nghĩa tổng quát cộng với ngữ cảnh tương ứng của sự biểu đạt (nếu có) xác định nội dung đang nói đến. Và ít nhất trong trường hợp về các kinh nghiệm hàm chỉ, ông có vẻ đồng nhất các nội dung có tính ý hướng của chúng với các nội dung hai chức năng này, vì ông tin rằng nội dung có tính ý hướng, vốn được qui đến như “nghĩa của noema” hay “nhân của noema” trong Ideas, chỉ duy nhất xác định sự qui chiếu, tức xác định đối tượng có tính ý hướng. (Về phát biểu rằng nghĩa của noema là nghĩa tương ứng được qui định trên phương diện ngữ cảnh chứ không phải là chức năng về nghĩa tổng quát – tức chức năng loại bỏ mọi sự đọc của thuyết Nội tại[2] [internalism] xem Mục 4 bên dưới – xem Husserliana, tập XX/1, tr. 74-78; xem thêm Husserliana, tập XXVI, tr 212). Thậm chí một số học giả còn đi xa đến mức tuyên bố rằng Husserl xác định nghĩa của noema như “một con người, đối tượng, sự kiện, vấn đề nhất định nào đó tự thể hiện, được xem chính xác như nó thể hiện chính nó hoặc như nó được ý hướng” (Gurwitsch 1982, tr 61; xem thêm Sokolowski 1987; về một sự phê phán được tranh cãi về lý giải của Gurwitsch, xem Føllesdal 1982).
Nguồn: http://plato.stanford.edu/entries/husserl/

________________________________________
[1] Moment: bước, pha, chu kỳ, giai đoạn….
[2] Gần đây, Thuyết Nội tại [Internalism] và thuyết Ngoại tại [Externalism] đã trở thành bộ phận của biệt ngữ chuẩn của diễn ngôn triết học, và đã trở thành trung tâm của nhiều tranh cãi quan trọng nhất định.
Trong Triết học Luân lý đương đại, Thuyết Nội tại là quan điểm cho rằng các niềm tin luân lý đóng chức năng như một nhân tố thúc đẩy. Tức là nhà thuyết Nội tại tin rằng có một sự nối kết bên trong giữa niềm tin của họ rằng “X phải được hoàn tất” với sự thúc đẩy họ làm X. Cũng như vậy, một nhà Nội tại hẳn sẽ lập luận rằng không có bất kỳ sự nối kết nào giữa các niềm tin luân lý với các động cơ. Một nhà Ngoại tại hẳn sẽ nói rằng không có lý do thiết thực nào cho rằng niềm tin “X là sai” sẽ dẫn đến một ham muốn không làm X. Có vẻ như sự sử dụng các thuật ngữ này đến từ bài viết của W. D. Falk, bài Ought and motivation [Cái phải làm và Động cơ thúc đẩy] (1948).
Trong Khoa học luận đương đại, niềm tin rằng tất cả những gì tất yếu để mang lại sự biện minh cho một niềm tin là có sẵn trực tiếp đối với ý thức đều được gọi là thuyết Nội tại. Thuyết Ngoại tại trong ngữ cảnh này là quan niệm cho rằng có các nhân tố khác hơn là các nhân tố bên trong đối với người tin vốn chi phối việc người ta có thể được đảm bảo trong việc kêu gọi đến nhận thức niềm tin đó hay không. Một tuyến Thuyết Ngoại tại được gọi lỏng lẻo là lý thuyết Nhân quả về Nhận thức, và thuyết khả tin [reliabilism] đôi khi cũng được cho xem là một tuyến khác của Thuyết Ngoại tại.
Thuyết Nội tại Ngữ nghĩa học có hai loại, phụ thuộc vào việc nghĩa được quan niệm về mặt nhận thức hay ngôn ngữ học. Phụ thuộc vào loại ngôn ngữ học, nó nói rằng nghĩa của một thuật ngữ hoàn toàn bị qui định bởi các nội dung của tâm thức đang nói đến hoặc bằng cái gì mà những người sử dụng ngôn ngữ biết khi họ biết ngôn ngữ đang nói đến. Thuyết Ngoại tại ngôn ngữ học nói rằng nghĩa phụ thuộc, ít nhất một phần, vào cái gì đó nằm bên ngoài trong thế giới, hoặc vào mối quan hệ giữa tinh thần và thế giới.
Bên trong ngữ cảnh của Triết học Tinh thần, thuyết Ngoại tại là lý thuyết về các trạng thái tinh thần phụ thuộc vào mối quan hệ với thế giới bên ngoài. Điều này đối lập với cả Nhị nguyên luận của Descartes, vốn phân tách hai thế giới riêng lẻ cho Tư tưởng và Quảng tính (hay theo từ ngữ hiện đại là Tinh thần và Vật chất), cũng như thuyết Duy tâm cấp tiến của George Berkeley. Các nhà Ngoại tại thường phát biểu rằng các tư tưởng hoặc các trạng thái tinh thần đều được gây ra bởi các lực bên ngoài, nhưng cũng tuyên bố rằng các tư tưởng, tình cảm, và mọi trạng thái tinh thần khác có thể không tồn tại nếu chúng không phải là bộ phận của một thế giới rộng hơn nằm bên ngoài tư tưởng. Thuyết Nội tại trong ngữ cảnh này là hoàn toàn đối lập. Họ hẳn sẽ tuyên bố rằng không có cái gì là bản chất đối với khái niệm về một trạng thái tinh thần đòi hỏi sự hiện hữu của một thế giới bên ngoài.
Nguồn: http://www.fact-archive.com/encyclopedia/Externalism

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng xem nhiều nhất :