Cái tựa đề bài viết có vẻ như là tựa đề một khúc ca, một bản tình ca. Hẳn nhiên không phải vô tình nhưng xin thú thực là có chủ ý. Kitô hữu chúng ta, nếu là người trưởng thành và được “xem là ngoan đạo” thì chắc chắn thuộc nằm lòng kinh “phúc thật tám mối”. Mẹ Giáo hội đã minh nhiên khẳng định rằng “tám mối phúc” chính là bản Hiến Chương Nước Trời”. Dưới một góc độ nào đó thì bản Hiến Chương cũng gần tương tự với bản Hiến Pháp của một quốc gia. Chúng ta dễ dàng đồng thuận với nhau về tầm quan trọng cũng như vị trí, vai trò tối thượng của bản Hiến Pháp trong việc định chế các luật lệ để điều hành các tổ chức, sinh hoạt của một đất nước. Vị trí, vai trò của bản Hiến Chương trong các tổ chức xã hội lớn bé cũng có tầm quan trọng không thể phủ nhận, cho dù trong thực tế, có thế lúc này, lúc kia, nơi này nơi nọ, việc tuân thủ không được chặt chẽ và nghiêm túc.
Một ngộ nhận thường thấy khi đề cập đến các mối phúc của Tin mừng đó là người ta dễ bị cám dỗ tìm cách giải thích, biện luận và minh chứng vì sao khó nghèo là có phúc, vì sao sầu khổ là có phúc… Trong khi đó hạnh phúc thật mà Chúa Kitô loan báo không ở cái vế đầu của câu nói mà ở vế sau. Để hiểu rõ điều này xin đan cử câu chuyện đã từng xảy ra về một ông lão nghèo hành nghề bán vé số kiếm kế sinh nhai bỗng nhiên thành tỉ phú. Một ngày kia, vé số bán không hết, ông lão mệt quá nên không đem số vé dư trả lại đại lý. Ai ngờ có trong số vé dư ấy có một cặp mười lại trúng giải độc đắc. Người ta bèn nói rằng ông lão bán vé số có phúc vì trúng số độc đắc bạc tỉ. Như thế cái được gọi là có phúc không phải ở vế “làm nghề bán vé số” hay ở vế “không trả lại số vé không bán được” mà ở nơi vế “trúng giải độc đắc bạc tỉ” kiểu như trên trời rơi xuống.
Vậy chúng ta cần khẳng định rằng hạnh phúc thật chính tình trạng được ở trong Nước Trời, được có Nước Trời làm gia nghiệp, được Thiên Chúa ủi an, thương xót, được nhìn thấy Thiên Chúa, được gọi là con Thiên Chúa, được Thiên Chúa ân thưởng trên trời, nghĩa là các vế thứ hai của các mối phúc. Các vế thứ nhất của các mối phúc không phải là những điều kiện để có hạnh phúc, nhưng chỉ là những tình trạng được ban phúc, những tình trạng đã đón nhận hạnh phúc được ban.
Để hiểu điều này chúng ta cần đối chiếu với Tin Mừng thánh Luca. Các nhà nghiên cứu Tin Mừng đồng thuận với nhau rằng thánh sử Luca tường thuật các dữ kiện liên quan đến các mối phúc thì sát thực tiển hơn so với Tin mừng thánh Matthêu. “Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: ‘Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng…”(Lc 6,20-23).
Hạnh phúc thật là Nước Trời, là chính Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã đoái thương ban hạnh phúc ấy cho tất cả mọi người, cho cả những người mà dưới con mắt thế gian hay theo nếp nghĩ của con người là bất hạnh là kém cõi là ngu dại, là kém phận… Thực tế cho thấy khi Chúa Kitô đi rao giảng tin mừng, thì rất nhiều người vốn bị xem như là bé phận, hèn mọn đã biết mở rộng tâm hồn đón nhận ân phúc Người ban. Trái lại, có nhiều người mà thế gian cho là may mắn thì không nhận được ân phúc ấy, nói đúng hơn là họ đã chối từ hạnh phúc được ban. Thánh sử Luca sau khi tường thuật những lời chúc phúc của Chúa Kitô thì tường thật tiếp liền những lời cảnh báo về các mối họa với những người giàu có, những người đang được no nê, vui cười, đang được mọi người ca tụng (x.Lc 6,24-26).
Những hạng người này bị chúc dữ hay nói đúng hơn là cảnh báo về tại họa không phải vì họ giàu, đang được no nê hay vui cười…nhưng vì họ đã đặt hạnh phúc thật sai chỗ, sai đối tượng. Họ đã lầm tưởng rằng của cải, các hoàn cảnh thuận lợi, danh phận đời này là hạnh phúc thật. Chính vì thế họ đã khước từ Chúa Kitô, khước từ Nước Trời mà Thiên Chúa ban tặng.
Các mối phúc thật hay Bản Hiến Chương Nước Trời không chủ ý nói đến những điều kiện để có hạnh phúc nhưng là trình bày nội dung của hạnh phúc đích thật. Đó là Thiên Chúa, là Nước Trời mà Người ban tặng cho nhân loại. Hạnh phúc đích thật chính là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa, một quà tặng vượt quá mọi khả năng chiếm hữu của con người. Con người chỉ có thể đón nhận ân phúc ấy bằng lòng tin. Thánh Tông đồ dân ngoại đã từng nhấn mạnh chân lý này trong thư gửi tín hữu giáo đoàn Galata và giáo đoàn Rôma (x.Gl 2,16.19-21; Rm 3,28-30).
Có thể nói rằng tám mối phúc như khó nghèo, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người…là những cách thế biểu lộ niềm tin, những con đường sống đức tin. Và chúng ta cũng có thể nói rằng ngoài những con đường, những cách thế rõ nét ấy thì vẫn có đó muôn vàn con đường sống đức tin, muôn muôn vàn cách thế biểu lộ niềm tin. Có thể xem đây là sự giao thoa giữa tám mối phúc đã được kể. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !”(Lc23,42). Không biết người gian phi bị treo bên phải Chúa Giêsu năm nào đã đi con đường nào của bát phúc, nhưng anh ta đã biểu lộ niềm tin vào Chúa Giêsu. Và anh đã được trao ban hạnh phúc đích thực là Nước Trời ngay ngày hôm ấy (x.Lc 23,43).
Cũng như Bản Hiến Pháp của một quốc gia vừa có tính hướng dẫn, vừa có tính quy định những thể chế, tổ chức, luật lệ của quốc gia ấy, thì Bản Hiến Chương Nước Trời khi cho biết đâu là hạnh phúc thật và con đường để có hạnh phúc thật sẽ có tính hướng dẫn và quy định các tổ chức, sinh hoạt…của đoàn tín hữu Kitô không chỉ trong tư cách cá nhân mà cả trong tư cách là đoàn dân của Thiên Chúa. Mong sao mọi tổ chức sinh hoạt của Giáo hội, mọi nghi tiết Phụng vụ, mọi luật lệ được ban hành… biết lấy Bản Hiến Chương Nước trời làm tiêu chuẩn quy chiếu. Và ước gì được một lần trong đời chúng ta không chỉ cất tiếng hát mà còn thực sự cảm nhận và xác tín lời một bài thánh ca khá quen thuộc: “vì ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc…?”
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét