Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2010

Chúa Nhật XIX Thường Niên C : TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG


“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Sự gì Thiên Chúa đã trao ban thì Người không bao giờ lấy lại. Nước trời là vương quốc tình yêu, nơi tràn đầy hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên Chúa đã trao ban Nước Trời. Có thể nói đây là điều kiện cần, là nguyên nhân tác thành hạnh phúc vĩnh cửu của con người. Thế nhưng còn cần sự đáp trả của phía con người, xét như là loài có ý thức và tự do. Và có thể gọi đây là điều kiện đủ để con người, từng người đạt đến hạnh phúc đích thực.
Chìa khoá của sự đáp trả phía con người đó là niềm tin. Khởi đầu nghi thức ban Bí tích Thánh Tẩy cho người trưởng thành, người xin lãnh nhận bí tích đã xin ơn đức tin và khẳng đinh rằng đức tin đem lại cho họ sự sống đời đời. Vậy thử hỏi tin là gì? Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái dùng hình ảnh tổ phụ Abraham để giảng giải hành vi đức tin đó là đón nhận và thực thi lời Thiên Chúa phán dạy, cho dù nhiều khi với lý trí tự nhiên khó có thể hiểu cặn kẻ nội dung những lời được truyền. Chính nhờ đức tin mà Abraham đã vâng theo lệnh Thiên Chúa, dẩu cho lệnh ấy làm ông phải quặn thắt ruột gan, chẳng hạn như lệnh truyền hiến tế chính người con trai duy nhất (x.Dt 11,8-19). Tin là chấp nhận những gì Chúa phán dạy đều là chân thật vì Thiên Chúa không hề lừa gạt ai (x. Dz 3008).
Bài trích Tin Mừng thánh Luca Chúa Nhật XIX, Giáo Hội cho chúng ta nghe những lời dạy của chính Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô. Để có được kho tàng ở trên trời là hạnh phúc vĩnh cửu, Chúa Kitô truyền dạy chúng ta hãy sống tỉnh thức và sẵn sàng.
Sống tỉnh thức: Thái độ tỉnh thức là không mê đắm, không bị trói buộc trong những sự tạm thời, chóng qua ở đời này. Dù cho những thiện hảo đời này có tốt, có đẹp bao nhiêu đi nữa thì chúng chỉ là nhất thời và qua đi. Chúa Kitô đã dùng hình ảnh bị mối mọt, bị ten sét, bị trộm cướp để minh hoạ sự thật này. Các bậc hiền giả xưa nay cũng chân nhận rằng sắc đẹp không qua khỏi làn da, của tiền không theo chúng ta vào huyệt lạnh, công danh quyền chức chỉ là một thời.
Người sống tỉnh thức là người biết tự do với cả mạng sống mình ở đời này. Thân xác thì hơn áo mặc, mạng sống thì hơn của ăn và hạnh phúc vĩnh cửu thì hơn cả mạng sống đời này. Họ là những người không nao núng trước quyền lực chỉ có thể làm hại sự sống đời này của họ nhưng không thể làm hại đến sự sống đời đời.
Sống sẵn sàng: Suy xét đến cùng thì thái độ sống tỉnh thức chỉ dừng lại ở mặt tiêu cực. Kitô hữu sống tự do với các thực tại đời này không phải để cho bản thân thoát khỏi những hệ luỵ tiêu cực của những sự chóng qua mà anh em Phật tử gọi là vòng khổ ải, nhưng là để sống yêu thương cho đến cùng. Đây là nội hàm của tinh thần sẵn sàng mà Chúa Kitô dạy.
Khi thánh Phêrô hỏi về dụ ngôn người đầy tớ tỉnh thức sẵn sàng đợi chủ đi ăn cưới về thì Chúa Giêsu đã giảng giải tinh thần sẵn sàng qua hình ảnh người quản gia trung tín, khôn ngoan phân phát thóc gạo đúng giờ cho kẻ ăn người ở. Sự sẵn sàng ở đây xem ra không hướng đến những người vai vế ở trên, nhưng là đối với những người ở phận dưới.
Những người ở phận dưới trước hết là những người mà chúng ta đang có trách nhiệm cách trực tiếp như đàn chiên Giáo hội trao phó, con cái, học trò…Họ cũng là những người thấp cổ, bé phận trong xã hội, những người xấu số, kém may mắn trước mặt người đời, nói chung là tất cả những tâm hồn bé mọn mà Tin Mừng đề cập. Thánh sử Matthêu đã tường thuật cho chúng ta dụ ngôn Chúa Giêsu kể về ngày cánh chung nhắc nhớ chúng ta luôn sẵn sàng chu toàn bổn phận yêu thương với những tâm hồn ấy.
Mỗi khi dâng Thánh Lễ, Kitô hữu chúng ta đều đấm ngực ăn năn về nhiều tội đã phạm trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Vẫn có đó nhiều con cái Chúa chưa hình dung rõ ràng về những tội thiếu sót. Theo ngôn ngữ tiếng Việt thì người ta dễ lầm tưởng đó là những tội quên sót. Xin khẳng định rằng những tội mà chúng ta dễ quên hay dễ bỏ sót khi xét mình, thì hình như không đáng gọi là tội. Nếu thực sự là tội theo đúng nghĩa thì một Kitô hữu trưởng thành, ngay chính không dễ gì quên hay bỏ sót. Tội thiếu sót là tội chúng ta đã bỏ qua những việc tốt, những việc phải làm trong khả năng và hoàn cảnh của chúng ta theo nghĩa vụ sống yêu thương. Bản dịch Anh ngữ thì hình như khá rõ về điều này: “I confess to almighty God, and to you, my brothers and sisters, that I have sinned through my own fault in my thoughts and in my words, in what I have done, and in what I have failed to do…”
Vì sao và vì đâu người ta lại bỏ qua những việc phải làm? Có thể vì sự vô tâm hay bạc tình. Tuy nhiên cần phải nói rằng số người sống vô tâm, bạc tình có lẽ không nhiều. Thế mà số người mắc phải tội “quên sót’ thì không ít. Cần xét suy nguyên nhân khác. Vì dính bén chút của tiền hay danh vọng, vì quá quyến luyến sự sống đời này nên người ta đã bỏ qua những việc cần làm, những việc phải làm theo khả năng và hoàn cảnh của mình, nhất là theo đòi hỏi tình yêu Tin Mừng. Một thực tế khó bề chối cải, đó là người ta dễ dàng sẵn sàng với người phận trên, với kẻ nhiều tiền hay quyền cao chức trọng, nhưng lại thờ ơ với những người thấp cổ bé phận. Xin chớ quên lời của Chúa Kitô: Hạnh phúc Nước Trời hệ tại ở chính những nghĩa cử chúng ta đã làm cho các anh em bé mọn.

Lm.Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng xem nhiều nhất :