Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Ai là mục tử? Đàn chiên thuộc về ai?

Ga 10,11-18

Bản văn (Lê Minh Thông dịch sát bản văn Hy Lạp)

Đức Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu:

11 Chính Tôi là mục tử tốt. Mục tử tốt hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên.

12 Người làm thuê không phải là mục tử, đàn chiên không thuộc về mình. Thấy sói đến, anh ta bỏ đàn chiên mà chạy - và sói vồ lấy chúng và làm tán loạn -.

13 Vì là kẻ làm thuê, anh ta không lo lắng cho đàn chiên.

14 Chính Tôi là mục tử tốt. Tôi biết chiên của Tôi, và chiên của Tôi biết Tôi,

15 như Cha biết Tôi, và Tôi biết Cha, và Tôi hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên.

16 Tôi còn có những chiên khác, chúng không thuộc ràn này. Tôi cũng phải dẫn dắt chúng và chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và sẽ làm thành một đàn chiên, một mục tử.

17 Vì điều này mà Cha yêu mến Tôi: Tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại nó.

18 Không ai lấy nó khỏi Tôi, nhưng chính Tôi tự ý hy sinh nó. Tôi có quyền hy sinh nó và Tôi có quyền lấy lại nó. Tôi đã nhận mệnh lệnh này từ nơi Cha của Tôi.”





Chia sẻ

Đức Giê-su là mục tử tốt, Người là mục tử duy nhất của đàn chiên. Khi tham gia nhiệm vụ chăn dắt trên nhiều cấp độ khác nhau trong Hội Thánh, chúng ta dễ quên là chỉ có một mục tử duy nhất là Đức Giê-su. Những người có nhiệm vụ chăn dắt trong cộng đoàn là những người được Đức Giê-su giao phó nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên của Người. Đàn chiên đó thuộc về Đức Giê-su. Sở hữu đàn chiên là Đức Giê-su, vì chỉ một mình Người là mục tử tốt, chỉ một mình Người có khả năng “hy sinh và lấy lại mạng sống mình” vì yêu mến đàn chiên.

Xin chia sẻ đôi nét về tư cách mục tử của Đức Giê-su và về vai trò người chăn dắt trong cộng đoàn Hội Thánh.

Trước hết, người ta thường gọi Đức Giê-su là “Mục tử nhân lành” cách nói này chưa diễn tả hết ý nghĩa, vì có thể chỉ dừng lại ở nghĩa “hiền lành”, “tốt lành”. Trong khi, bản văn Hy Lạp dùng tính từ “tốt” (kalos). “Mục tử tốt” không chỉ là “tốt lành”, “hiền lành”, mà điều quan trọng hơn là “tốt” về phẩm chất. Người mục tử tốt là người có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của nhiệm vụ chăn dắt và chu toàn tốt đẹp vai trò mục tử.

Khẳng định của Đức Giê-su: “Chính Tôi là mục tử tốt” là kiểu nói đặc trưng của thần học Gio-an. Đức Giê-su là ánh sáng, là bánh, là cây nho đích thực, là cửa ràn chiên, là mục tử tốt. Tính từ “tốt” cho phép phân biệt với tất cả các mục tử khác trong Cựu Ước. Trong Tin Mừng thứ tư, Đức Giê-su không so sánh mình với các mục tử khác, bởi vì Người là mục tử duy nhất của đàn chiên.

Đức Giê-su là mục tử tốt, vì Người hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên (10,11). Lời này lạ lùng và nghịch lý. Nếu mục tử chết, đàn chiên cũng chết. Vì không có ai bảo vệ đàn chiên trước sự tấn công của sói dữ. Trên thực tế, người mục tử phải tìm mọi cách để sống còn. Dù phải đối diện với nguy hiểm, người mục tử khôn ngoan là người bảo toàn được mạng sống của mình, như thế mới có thể bảo vệ đàn chiên. Bởi vì, sự sống còn của đàn chiên lệ thuộc vào sự sống còn của mục tử. Người mục tử tốt là người “sống vì đàn chiên”, chứ không phải là người “hy sinh mạng sống mình”, theo nghĩa “chết vì đàn chiên” như Đức Giê-su nói.

Thực ra, cuối đoạn Tin Mừng, sự sống của Đức Giê-su được đề cao. Người khẳng định: “Tôi có quyền hy sinh mạng sống mình và có quyền lấy lại nó”. Lời này ám chỉ Đức Giê-su sẽ chiến thắng sự chết. Biến cố Phục Sinh làm cho Người trở thành mục tử duy nhất. Người đang sống. Chính Người bảo vệ đàn chiên, ban sự sống đích thực cho đàn chiên và làm cho đàn chiên được sống dồi dào (10,10).

Nhưng tại sao Đức Giê-su lại hướng về sự chết khi khẳng định ngay từ đầu đoạn Tin Mừng: “Mục tử tốt hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên” (10,11)?

Trong bối cảnh văn chương của Tin Mừng thứ tư, đoạn văn 10,11-18 ở vào cuối sứ vụ công khai, những kẻ chống đối Đức Giê-su đã và đang tìm cách giết Người; sứ vụ công khai của Đức Giê-su đang dần dần khép lại. Vì thế, đoạn văn 10,11-18 nhằm xác định vai trò của Đức Giê-su đối với những ai tin vào Người. Người là mục tử tốt, Người tự ý hy sinh mạng sống mình và Người có quyền lấy lại nó. Nhờ đó, Người có khả năng ban sự sống cho đàn chiên.

Bầu khí xung đột bộc lộ trong cách Đức Giê-su dùng hình ảnh “người làm thuê”. Ai là những kẻ làm thuê? Tin Mừng cho phép hiểu Đức Giê-su ám chỉ giới lãnh đạo Do-thái đang tìm cách giết Người, đó là những người Do-thái, những người Pha-ri-sêu, các thượng tế, họ là những người được giao nhiệm vụ chăn dắt dân. Các sách Cựu Ước gọi họ là mục tử, nhưng Đức Giê-su tước mất quyền đó khi nói: “Người làm thuê không phải là mục tử, đàn chiên không thuộc về mình… Vì là kẻ làm thuê, anh ta không lo lắng cho đàn chiên” (10,12-13).

Chính trong bối cảnh những kẻ chống đối đang tìm cách giết Đức Giê-su mà Người nói đến việc “hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”. Hoa trái của sự “hy sinh và lấy lại mạng sống” này là phổ quát. Vì qua đó, Đức Giê-su quy tụ tất cả con cái Thiên Chúa tản mác khắp nơi về thành một đàn chiên, một mục tử (10,16; 11,52).

“Một đàn chiên, một mục tử” (10,16) là khẳng định thần học quan trọng, mà nhiều lúc những người có nhiệm vụ chăn đắt xem nhẹ. Cuối Tin Mừng Gio-an (21,15-17), ba lần Đức Giê-su hỏi Phê-rô: “Anh có yêu mến Thầy không?”, chỉ sau khi Phê-rô trả lời “Thầy biết con yêu mến Thầy”, Đức Giê-su mới trao sứ vụ chăn dắt: “Anh hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy”.

Kiểu hành văn này cho thấy: Đàn chiên, bao gồm mọi người tin, là của Đức Giê-su. Các chủ chăn trong Hội Thánh là những người được Đức Giê-su giao phó nhiệm vụ chăn dắt và chăm sóc đàn chiên của Người. Đàn chiên là của Đức Giê-su chứ không phải của bất kỳ ai khác.

Câu hỏi đặt ra: Để có thể chăn dắt đàn chiên của Đức Giê-su phải có điều kiện nào? Ngoài những đòi hỏi mang tính pháp lý như được huấn luyện, lãnh tác vụ, điều cốt lõi là “tình yêu dành cho Đức Giê-su”. Ba lần, Phê-rô tuyên xưng tình yêu dành cho Đức Giê-su trước, sau đó mới được Người giao sứ vụ chăn dắt. Như thế, tình yêu dành cho Đức Giê-su là nền tảng làm nên bản chất của người chăn dắt. Có thể nói, khi người chăn dắt không thực sự yêu mến Đức Giê-su nữa, thì ngay lúc đó, người ấy không còn tư cách để chăn dắt đàn chiên của Đức Giê-su nữa. Bởi vì, chính tình yêu dành cho Đức Giê-su là bản chất và là căn tính của sứ vụ chăn dắt.

Thánh Augustinô diễn giải lời Đức Giê-su nói với Phê-rô ở Ga 21,15-17 như sau:

“Nếu anh yêu mến Thầy, anh đừng nghĩ anh là mục tử; nhưng anh hãy chăn dắt đàn chiên của Thầy, như chúng là của Thầy chứ không phải như chúng là của anh; anh hãy tìm kiếm nơi đàn chiên vinh quang của Thầy chứ không phải vinh quang của anh; sở hữu của Thầy, chứ không phải sở hữu của anh, lợi ích của Thầy, chứ không phải lợi ích của anh.”

Xin cho sứ điệp của bài Tin Mừng giúp chúng ta sống đúng vị trí và vai trò của mình khi tham gia vào nhiệm vụ chăn đắt ở nhiều cấp độ khác nhau trong cộng đoàn Hội Thánh. Điều quan trọng hơn cả là “yêu mến Đức Giê-su” và từ đó chăn đắt đàn chiên được giao phó bằng chính tình yêu mà Đức Giê-su là vị mục tử quy nhất đã dành cho mình và dành cho đàn chiên của Người./.

Giu-se Lê Minh Thông, O.P.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng xem nhiều nhất :