Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

LÊN ĐƯỜNG

Hai từ lên đường khiến ta liên tưởng đến một hành trình mà dĩ nhiên đã là hành trình thì có điểm xuất phát và đích đến. Kitô hữu, cách riêng hàng tu sĩ linh mục giám mục được mời gọi lên đường theo Chúa Kitô cách rõ nét và đặc thù hơn. Đã lên đường thì ai cũng mong đến đích. Để đến đích thì không thể không nhắm hướng đi, tìm cách thế đi và chọn phương tiện để đi.
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20,21). Để lên đường và đi đến đích, thì không gì hơn là dỏi theo chân Chúa Kitô. Cùng với Chúa Kitô, đặc biệt qua các mầu nhiệm chính trong công cuộc cứu độ của người chúng ta xuất hành:
1. Sống mầu nhiệm tự hủy: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phil 2,6-7). Điều kiện tiên quyết của mọi cuộc lên đường như Chúa Kitô đó là ra đi. Ra đi ở đây không chỉ là rời khỏi nơi chốn mình đang ở mà còn ra khỏi vai vế, phận vị của mình để hội nhập với nơi mình đến, để nên đồng hình đồng dạng với những người mình gặp gỡ. Quả thật vẫn có đó nhiều người lên đường với mớ hành trang cồng kềnh là thân thế, là địa vị… Nói như thế thì phải chăng chúng ta sẽ đánh mất chính mình khi bị đồng hóa? Những lời cảnh tỉnh như: “hòa đồng mà không bị đồng hoá; hội nhập mà không hoà tan nghĩa là không đánh mất căn tính” luôn có đó giá trị. Quả thật, mọi công cuộc lên đường sẽ thành tro bụi khi chúng ta đánh mất chính mình. Làm người giống chúng ta mọi đàng nhưng Chúa Kitô vẫn là Thiên Chúa bằng mầu nhiệm Ngôi hiệp.
2. Sống mầu nhiệm Ngôi hiệp: Đến thế gian, Chúa Kitô không đánh mất bản tính Thiên Chúa của Người. Khi tuyên xưng Chúa Giêsu chỉ có một Ngôi Vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa và Người có hai bản tính là bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, thì giáo hội khẳng định Chúa Kitô khi vào trần gian đã mặc lấy thêm bản tính nhân loại vào Ngôi vị Thiên Chúa của Người. Những gì Giêsu Kitô làm là chính Thiên Chúa (Ngôi vị) làm. Chính vì thế tất cả những hành vi của Chúa Giêsu từ khi nhập thể, hạ sinh, ẩn dật, rao giảng tin mừng đến cuộc tử nạn phục sinh và lên trời vinh hiển đều mang giá trị cứu độ, vì là những hành vi của một Thiên Chúa.
Sống mầu nhiệm Ngôi hiệp thì khi lên đường đến với tha nhân, chúng ta sẽ không đánh mất căn tính Kitô, căn tính linh mục hay tu sĩ của mình. Lên đường, đến với tha nhân trong vai vị một nhà giáo, một nông dân, một lương y… cũng khám chữa bệnh, cũng giảng dạy, cũng chăn nuôi hay trồng trọt…mà với tư cách là Kitô hữu, là linh lục hay tu sĩ thì giá trị sẽ nhân lên gấp bội.
3. Sống mầu nhiệm cứu chuộc: “Con Người đến thế gian không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”(Mt 20,28). Trở thành Do Thái với người Do Thái, trở thành Hy lạp với người Hy lạp là để phục vụ họ cách hữu hiệu và đến cùng. Sự phục vụ này phải sinh hiệu quả là cứu sống người mình phục vụ và giúp họ ngày càng sống dồi dào hơn (x.Ga 10,10).
Không phải theo chủ nghĩa duy hiệu năng, nhưng một trong những dấu chỉ để thẩm định cuộc lên đường của chúng ta ra sao thì hãy xét xem những người, những tập thể mà chúng đến ở cùng, có phát triển toàn diện, ngày càng nên tinh tuyền và hoàn thiện hơn không?
4. Sống mầu nhiệm phục sinh, vinh thăng của Chúa Kitô: Sau khi phục sinh vinh hiển, Chúa Kitô đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Mầu nhiệm vinh thăng của Chúa Kitô khẳng định căn tính của Người là Thiên Chúa thật, Đấng không thể bị khuất phục bởi thần chết. Chúa Kitô về trời ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là Người lấy lại vinh quang danh dự của một vị Thiên Chúa, có từ ngàn đời với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Kitô, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha luôn có những gì là của nhân trần, qua bản tính nhân loại mà Người đã nhận lấy khi vào trần gian.
Kitô hữu lên đường, ra đi để rồi đưa tất cả các thực tại gian trần lên cùng Thiên Chúa. Điều này muốn khẳng định rằng cùng đích của việc lên đường của Kitô hữu, của tu sĩ, linh mục hay giám mục là để vĩnh hằng hoá các thực tại hữu hạn chóng qua đời này. Chúng ta vĩnh hằng hoá các thực tại trần gian này bằng chính tình yêu mà chúng ta đã nhận lấy từ Đấng Cứu độ. Cũng là chuyện ăn, uống, sinh hoạt, lao tác…nhưng khi được đượm thắm tình yêu thì chúng sẽ nên vĩnh tồn nếu chúng ta sống lời thánh Phaolô tông đồ: “Dẫu khi ăn, dẫu khi uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm vì danh Đức Kitô”.
Một vấn nạn thời sự: Vì sao bề trên các dòng tu, giám mục các giáo phận ở Việt Nam hiện nay dường như ngại ngần sai các thành viên dưới quyền lên đường, đặc biệt đến những nơi với những hoàn cảnh có thể gọi là “như chiên giữa sói rừng”? Ngoài một vài lý do an ninh hay thủ tục hành chính, thì khi sai một ai đó lên đường thì các bề trên xem ra lo lắng nhiều chuyện như là chỗ ở, phương tiện đi lại, bề dưới còn hạn chế khả năng hay chưa đủ lòng nhiệt thành, lòng đạo đức…Trong nhiều lý do thì có lý do xem ra khá chính đáng và hợp lý đó là vì yêu thương bề dưới, sợ bề dưới ra đi lâm cảnh khó khăn cách này cách khác.
Không dám mạo phạm nhưng có lẽ có phần đúng đó là nếu ta còn ngại ngần sai người thuộc quyền ra đi có thể vì bản thân chúng ta chưa thực sự lên đường. “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…” (Ga 20,21). Chúa Kitô mạnh dạn sai các môn đệ lên đường, ra đi là vì trước đó Người đã vâng lệnh Chúa Cha lên đường ra đi trong sự tự hạ, tự huỷ để sống yêu thương đến cùng.
Một Phanxicô Xavie can đảm lên đường đến với anh em Á châu là nhờ lệnh sai đi của một Inhaxiô. Inhaxiô mạnh dạn sai Phanxicô Xavie lên đường là vì trước đó Inhaxiô đã lên đường ra đi khỏi mộng ước vương bá trần tục. Các tu sĩ hội dòng Têrêxa Calcutta hăng hái lên đường phục vụ những con người bất hạnh, xấu số, bị bỏ rơi là tuân lệnh của mẹ Têrêxa, một phụ nữ nhỏ người nhưng đã mạnh mẽ ra đi, từ bỏ cả một cuộc sống tu trì đang yên ổn để sống yêu thương người khốn cùng một cách nào đó như Chúa Kitô đã yêu thương nhân loại. Cũng tương tự như thế, nhiều nhà truyền giáo can đảm lên đường vì đã nhận được lệnh sai đi của những đấng bậc đã biết sống tự huỷ một cách nào đó như Thầy chí thánh Giêsu.
Nếu như các đấng bậc bề trên các hội dòng, các giám mục giáo phận chân thành và trung thực để nói: “Như Chúa Kitô đã sai tôi (nghĩa là tôi đã lên đường, ra đi trong sự tự hạ, tự huỷ và bỏ mình để sống yêu thương phục vụ…), thì tôi sai anh em, chị em” thì thiết nghĩ chắc chắn sẽ có nhiều linh mục, tu sĩ nam nữ và cả Kitô hữu giáo dân can đảm lên đường “như chiên giữa sói rừng”(Mt 10,16), để truyền giáo, sống yêu thương phục vụ tha nhân cho đến cùng.
Để điều này thành hiện thực thì chắc chắn cần có sự tín nhiệm của người truyền lệnh và người được sai đi. Ngoài ra cũng cần loại bỏ tâm lý cầu toàn để rồi biết can đảm đón nhận những trường hợp thất bại cách này cách khác. Tin mừng cho chúng ta hay trong số mười hai tông đồ và bảy mươi hai môn đệ được Chúa Giêsu sai đi đã có đó những trường hợp thất bại. Không nguyên chỉ theo kinh nghiệm con người “ thất bại là mẹ thành công”, chúng ta còn tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể làm mọi sự tốt lành tư những vấp váp và cả tội lỗi của con người. Dĩ nhiên phần chúng ta, chúng ta phải hy vọng và làm hết sức có thể để những người ra đi sẽ không đánh mất căn tính của mình, nhưng đón nhận thân phận cũng như mọi cảnh huống của đồng loại để vĩnh hằng chúng trong tình yêu của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngụ bên hữu Chúa Cha.
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14,18). Khi sai các môn đệ ra đi, Chúa Kitô đã tự nguyện ở cùng các ngài mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20), cách đặc biệt bằng Thánh Thần mà Người ban tặng (x.Ga 20,22). Ước gì các tu sĩ nam nữ, các linh mục hay Kitô hữu giáo dân được sai đi không bao giờ vướng lấy mặc cảm là bị bỏ rơi, như là một thứ “con bị bỏ chợ”, nhưng luôn được người sai mình đi đồng hành với mình bằng cả tấm lòng, bằng sự sẻ chia cách này cách khác, đặc biệt là bằng tinh thần trách nhiệm như Đức Kitô, Đấng hằng tiếp tục chịu nộp vì chúng ta, chịu đổ máu đào ra để chúng ta và mọi người được thứ tha, được cứu sống.
Lm Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng xem nhiều nhất :