Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Lễ Mình Máu Chúa Kitô: HÃY CHO HỌ ĂN

Ngày bắt đầu tàn, thấy đám đông dân chúng vẫn còn ở lại để nghe Chúa Giêsu giảng dạy và được chữa lành bệnh tật, các tông đồ hiến một diệu kế: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng” (Lc 9,12). Một kế sách xem ra khá hợp lý vì không nên bao cấp, bao biện, phải để cho mỗi người tự lo lấy thân. Kế sách này có vẻ như thiếu chút tình, vì thật dễ dàng để hô: “giải tán – khỏe”. Nhưng các tông đồ đã chưng hững trước lời truyền của Thầy: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Hạn từ “chính” muốn nhấn mạnh đến điều muốn nói, đó là các tông đồ chứ không ai khác. Hạn từ “hãy” không những có tính mời gọi mà còn hàm ý như một mệnh lệnh cần phải thực thi.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”. Cho họ ăn cái gì đây? Năm chiếc bánh và hai con cá không là gì cả, nhưng đó là tất cả những gì các tông đồ đang hiện có. Trước hết chúng ta cần khẳng định rằng khi nói “cho” tức là trao cái của mình. Theo Tin Mừng thánh Gioan tường thuật thì năm chiếc bánh và hai con cá là của một em bé (x. Ga 6,9). Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật rằng năm chiếc bánh là của các tông đồ (x. Mt 14,17; Mc 6,38; Lc 9,13). Và các Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Chính anh em hãy cho họ ăn!” (x. Mt 14,16; Mc 6,37; Lc 9,13).

Một trong những hành vi yêu thương là trao ban những gì tốt nhất của mình cho người mình yêu cách vô điều kiện và chẳng hề kể công.

Mặc dù không có sự gì tốt đẹp nơi chúng ta mà không phải là do đã lãnh nhận, nhưng chúng ta cũng cần phân biệt những gì được coi là của chúng ta và những gì là của tha nhân. Để phân biệt điều này chúng ta cần dựa vào đức công bằng giao hoán với nội hàm là phần của ai thì trả lại cho người ấy. Trước hết cần xác định rằng những gì không thuộc quyền sở hữu của chúng ta cách hợp pháp thì đều không phải là của chúng ta, chẳng hạn nhân thân, tài sản… của tha nhân. Kế đến cần lưu ý rằng ngay cả những gì thuộc quyền sử dụng của chúng ta, thì có nhiều sự không phải là của chúng ta, chẳng hạn chúng ta có quyền sử dụng khí trời, môi trường sống… nhưng chúng ta chỉ được quyền sử dụng có giới hạn, trong sự tôn trọng quyền sử dụng của người khác và phải biết gìn giữ sự hài hòa bền vững của môi sinh. Lại có những tài sản ta đang có nhưng không thực sự là của chúng ta, vì đó là những tặng vật chúng ta nhận được để thực hiện một mục đích nào đó mà người trao tặng đã minh nhiên hay mặc nhiên cho ta biết. Ví dụ có ân nhân trao tặng chúng ta một triệu đồng để giúp người nghèo thì tiền đó là của người nghèo, hoặc nếu có ai đó dâng cúng một số tiền để lo việc giáo xứ thì tiền ấy là thuộc quỹ chung của giáo xứ chứ không phải của riêng vị quản xứ. Điều này đã được Giáo Hội không chỉ phân biệt rõ ràng bằng lời chỉ dạy mà còn thể chế hóa bằng luật lệ (x. GL Đ. 1267.3 và Đ. 531).

Không một ai có quyền cho đi cái không thuộc quyền sở hữu của mình. Lấy tài sản của tha nhân hay xã hội cách bất công để làm bất cứ việc gì dù đó là một việc thiện thì đều là hành vi xấu. Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Nhận cái của người để trao ban theo ý họ thì không phải là cho mà chỉ là phân phát giúp. Lắm khi chúng ta lầm tưởng mình đang cho mà thực sự mình chỉ là người trung gian phân phát. Chưa kể đến chuyện vô tình hay hữu ý chúng ta khôn khéo giữ lại phần này, phần kia cho bản thân cách bất công trong khi đó là phần của tha nhân. Ngoài ra, theo chiều kích công bằng phân phối thì có thể đang có đó nhiều thứ của cải dư thừa nơi chúng ta mà thực sự là của người nghèo.

Các con hãy cho họ ăn đi! Vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta cần trao ban cho tha nhân những gì thực sự là của mình. Abraham đã kính biếu Menkisêđê, vua thành Salem, tư tế của Thiên Chúa, một phần mười tất cả chiến lợi phẩm. Năm chiếc bánh và hai con cá trong hoàn cảnh lúc bấy giờ so với tập thể nhóm Mười Hai và cả Thầy Chí Thánh nữa chứ, thì đúng thực là của các vị. Trao ban cái mình đang cần thì mới thực là trao ban. Chúa Kitô cũng đã từng khen ngợi hành vi dâng hiến của một bà góa nghèo tại đền thờ Giêrusalem. Hai đồng xu của bà mới thực sự là của bà. Trái lại, những phần dư thừa của những người giàu có lúc bấy giờ chưa hẳn là của họ (x. Lc 21,1-4; Mc 12,41-44).

Có thể nói rằng những cái thực sự của mình đó là những gì được xem là chính mình như danh dự, sự sống… Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta về điều này như lời thánh Phaolô tông đồ nói với tín hữu Philipphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).

“Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,26). Việc mà Chúa Kitô truyền dạy chúng ta phải làm đó là hãy cho tha nhân ăn chính máu thịt của mình, nghĩa là hãy hiến thân gánh lấy tội lỗi của tha nhân, hãy dùng chính máu thịt của mình, sự sống của mình mà giúp nhau nên thanh sạch. Đằng sau một ân huệ chúng ta lãnh nhận luôn có một sứ mệnh được giao phó cho chúng ta. Ân huệ càng cao quý thì sứ mệnh càng hệ trọng. Sau khi được Thầy rửa chân, nghĩa là được thông phần với Thầy, các tông đồ nhận được lệnh truyền là hãy noi gương Thầy mà cúi xuống rửa chân cho nhau (x. Ga 13,1-15). Khi nâng chén để được thông hiệp với sự sống của Đấng Chí Thánh thì chúng ta nhận được lệnh truyền là hãy hiến dâng mạng sống vì người mình yêu, để nhớ đến Người (x. Ga 15,12-15; Lc 22,19-20).

Bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu. Các chuyên gia tâm lý cũng như các nhà đạo đức học vốn đồng thuận với nhau khái niệm này: yêu thương là một quá trình đón nhận và trao ban. Mọi sự của con đều là của Cha. Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Bây giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5-7). Và Chúa Kitô thực thi thánh ý Chúa Cha bằng việc hiến dâng trọn xác thân của Người làm hy lễ đền tội, ban ơn giao hòa cho nhân loại. Ước gì Thánh Thể Chúa Kitô giúp chúng ta xác tín rằng mọi sự chúng ta đang là, đang có đều do bởi lãnh nhận, để rồi chúng ta tích cực thực thi lệnh truyền của Người: “Các con hãy cho họ ăn đi!”

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng xem nhiều nhất :