Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2010

Chúa Nhật XIII TN C : THEO CHÚA ĐỂ ĐI ĐÂU VÀ LÀM GÌ?

“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”(Lc 9,57). Một vị tôn sư được dân chúng tôn phong vào hàng ngôn sứ, có lời quyền năng cũng như nhiều hành động phi thường chắc chắn sẽ lôi cuốn nhiều người đi theo. Chuyện “thấy người sang bắc quàng làm họ” là chuyện bình thường kiếp người. Đi theo người có quyền năng trong lời nói lẫn hành động hẳn nhiên dù ít nhiều cũng sẽ được lợi mặt này, mặt kia. Nhiều người không chỉ muốn theo Chúa Giêsu như là đám đông quần chúng mong hưởng nhận những phúc lành mà còn muốn trở thành những người thân cận, những môn đệ, những cộng sự viên thân tín. Và chắc chắn khi Thầy Giêsu lên ngai vinh hiển thì mình sẽ được dự phần quyền uy và dĩ nhiên kèm theo vinh hoa phú quý. Ngay nhóm Mười Hai cũng không thoát được ảo vọng vương bá này. Thế nhưng cả nhóm Mười hai và nhiều người muốn theo Chúa Giêsu có ngờ đâu đích đến của hành trình Thầy chí thánh chính là Giêrusalem.
“Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết lên Giêrusalem”(Lc 9,51). Chúa Giêsu lên Giêrusalem để làm gì? Xin thưa là để hoàn thành công cuộc cứu độ nhân trần bằng cái chết trên thập giá. Không phải Chúa Giêsu tự tìm cái chết nhưng Người lên Giêrusalem để sống yêu thương đến cùng, đó là hiến dâng mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).
Trên hành trình lên Giêrusalem, có một số người muốn xin đi theo Chúa Giêsu. Thoặt nghe những câu trả lời của Chúa Giêsu với những người này, chúng ta có thể nghĩ rằng chúng có vẻ “cứng cỏi”, và chúng có thể làm nhụt nhuệ khí, làm nhụt thiện chí của họ. Thế nhưng để có thể sống yêu thương đến cùng thì cần phải đối diện với đòi hỏi như tất yếu là sự triệt để. Hành vi yêu thương đến cùng đòi hỏi sự triệt để cả trong sự từ bỏ lẫn trong sự hiến dâng.
Triệt để trong sự từ bỏ: “Con chồn có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”(Lc 9,58). Vốn giàu sang, Chúa Kitô đã tự nguyện sống nghèo khó để chúng ta được nên sang giàu (x.2Cr 8,9-12). Từ bỏ của cải vật chất, từ bỏ những tiện nghi không phải để tự hài lòng trong cảnh thiếu thốn nhưng là để dễ dàng sống yêu thương. “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết” (Lc 9,60). Chúa Giêsu còn mời gọi nhưng kẻ theo Người phải tự do với cả những tình cảm huyết nhục để dệt xây Nước Trời, vương quốc của tình yêu. Mối dây liên kết trong tình huyết nhục tự nó là điều tốt đẹp. Tuy nhiên còn có mối dây liên kết tốt hơn và cao cả hơn. Không phải chỉ khi cưu mang và cho Ngôi Lời nhập thể bú mớm mới là có phúc, nhưng chính khi nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa thì mới là có phúc hơn nhiều (x.Lc 11,27-28).
Triệt để trong sự hiến dâng: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Đường cày không thể nào thẳng khi tay cầm cày mà mặt lại ngoảnh đằng sau. Tình yêu không thể chấp nhận sự nửa vời. Nóng thì nóng hẳn đi hoặc lạnh thì lạnh hẳn đi, nếu cứ hâm hẩm thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải (x.Kh 3,15-16). Chuyện bắt cá hai tay có thể áp dụng trong kinh doanh buôn bán nhưng tuyệt đối không thể có trong tình yêu đích thực.
Tuy nhiên, phận người chúng ta không dễ gì dứt khoát một lần cho tất cả. Vẫn có đó tình trạng vấn vương, ngập ngừng trong chuyện tình yêu, cả tình lứa đôi lẫn tình dâng hiến. Cái cảnh cầm cày mà còn ngó lại đằng sau thì có thể không nhiều, nhưng cảnh cầm cày mà còn nhìn bên này, bên nọ quả là không hiếm. Và chắc chắn khi nhìn ngang, nhìn ngửa thì đường cày sẽ chệch choạc, ngoằn ngoèo. Dẫu biết rằng Thiên Chúa, Đấng quyền năng, thừa sức vẽ nên đường thằng bằng những nét cong, nhưng khi quá ỉ lại vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa thì chúng ta vô tình hay hữu ý rơi vào chước cám dỗ lỗi đức trông cậy (x.GLCG Chung số 2092).
Để có thể thẳng bước theo chân Chúa Kitô, để sống yêu thương cách triệt để, thì chắc chắn cần phải diệt trừ nhiều điều, mà dĩ nhiên trước hết đó là những điều bất chính, xấu xa. Và để có thể sống yêu thương đến cùng thì chúng ta còn cần phải biết tự do với cả những điều tự nó là không xấu. “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em mình, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 13,26-27). Hạn từ “từ bỏ” ở đây theo cách nói của người Do Thái không có nghĩa là loại trừ nhưng biểu thị sự so sánh. Khi nói “từ bỏ” một điều gì đó để chọn một điều khác thì muốn nói điều ấy “kém hơn”điều ta chọn. Khi đã tin nhận Chúa là tất cả, là trên hết thì việc tự do với các mối liên hệ huyết nhục, với cả mạng sống mình, là chuyện đương nhiên phải có.
Vấn đề đặt ra đó là cần thường xuyên xác định lại mục đích chúng ta theo Chúa Kitô. Mang danh là Kitô hữu, chúng ta không theo chủ thuyết này hay chủ nghĩa nọ, nhưng chúng ta chỉ theo một Đấng là Giêsu Kitô. Đức Kitô vừa là người chỉ đạo (dẫn đường), vừa chính là con đường dẫn chúng ta đến hạnh phúc đich thực (x.Mt 23,10; Ga 14,6). Đường Chúa Kitô dẫn chúng ta đi và cũng là con đường Người đã đi qua đó là đường tình yêu tự hiến vì hạnh phúc của loài người. Chính khi quên mình vì hạnh phúc của đồng loại thì chúng sẽ gặp lại bản thân và có hạnh phúc vĩnh tồn (thánh Phanxicô Axidi).
Theo Công giáo, bạn, tôi, chúng ta đang theo ai, đi đâu, làm gì? Một câu hỏi thiết tưởng mãi không thừa với những người vốn tự nhận là “có đạo”.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng xem nhiều nhất :