Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

"Tôi vẫn thích đọc sách in...”



"Tôi vẫn thích đọc sách in...”

“Dù ngày nào tôi cũng vào mạng Internet, nhưng tôi vẫn chỉ thích đọc sách in bằng giấy hơn...”. Nhà văn Nam Phi J. M. Coetzee đã nói như vậy vì sách in vẫn là sản phẩm trí tuệ tuyệt vời nhất của nhân loại và nó vẫn giữ một vị trí xứng đáng trong mọi nền văn hóa đọc trên khắp thế giới.

1. “Dù ngày nào tôi cũng vào mạng Internet, nhưng tôi vẫn chỉ thích đọc sách in bằng giấy hơn...”. Với chiếc máy tính xách tay bên mình, nhà văn Nam Phi J. M. Coetzee có lần đã nói như vậy với đám đông sinh viên Trường đại học San Jose (bang Illinois, Mỹ).

Sở dĩ Coetzee đưa ra một tâm sự như thế vì cũng vào thời gian ông đoạt giải Nobel Văn học 2003, American Online đã đưa ra một con số điều tra rất thú vị trên mạng trực tuyến của mình. Khi được hỏi “Bạn cần gì nhất nếu một mình sống trên hoang đảo?” thì có tới 68% thanh thiếu niên trả lời rằng họ cần một máy vi tính nối mạng, 23% cần máy điện thoại, chỉ có 9% còn lại là cần ti vi để xem thôi!

Như vậy là Internet đã hạ “knock-out” các phương tiện truyền thông khác một cách vô cùng ngoạn mục (!) Số người nghiền vi tính thì lập luận rằng, họ chẳng hề xa lánh báo chí sách vở tí nào. Bởi lẽ, qua mạng thì họ có thể đọc đủ mọi báo chí trên đời này ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Cả sách cũng thế. Với 1,5 tỉ website (trang chủ, trang tự giới thiệu...) hiện nay, trong đó hầu hết các NXB lớn trên thế giới đều có một website riêng với kho dữ liệu ( data house ) khổng lồ thì sách của họ cũng có đủ loại, chẳng thiếu thứ gì, chỉ sợ bạn không đủ thời gian để đọc cho hết mà thôi.

2. Quả thật, điều này đúng như thế. Và còn hơn thế nữa... Ngay ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay nhiều thành phố lớn ở Việt Nam ta, đã có rất nhiều người bây giờ thay đổi hẳn cách đọc của mình. Cách đọc sách (in bằng nguyên liệu giấy) đã tồn tại như một thói quen rất thân thuộc từ bao đời nay đang có nguy cơ bị mai một.

… Một cô thư kí trẻ đẹp, yểu điệu cắp cặp tài liệu về phòng riêng của mình rất đúng giờ. Đúng giờ có nghĩa là còn sớm so với mọi người, vì cứ phải 15-20 phút nữa, sếp và các nhân viên khác mới lục tục dắt xe đến. Họ còn khề khà dọn dẹp, gọi điện thoại, đun nước pha trà, trò chuyện tào lao chán mới bắt đầu công việc hàng ngày. Riêng nữ thư kí “tóc nâu môi trầm” thì đã mở máy với màn hình xanh dịu trước mặt. Và ung dung vừa điểm tâm vừa vào mạng và mở màn cuộc hành trình “vòng quanh thế giới”: điểm tin nổi bật trên các báo, ngó qua các shop thời trang mua sắm đủ loại. Tất nhiên cô cũng không quên tìm vài quyển sách thuộc loại “tân kì” mà bạn bè đang thì thào kháo nhau…

Cuối cùng, cô vào một “nhà hàng” music của MTV. Chọn một giọng ca đang ăn khách nhất với bài tủ nhất, cô nhẹ nhàng nhấn chuột và tiếng nhạc lập tức vang lên ngân nga thánh thót khắp căn phòng. Ai đi qua nhìn vào lại bảo cô ngồi chơi nào? Ít ai biết rằng “nàng” vừa thư giãn buổi sáng xong. Thư giãn chơi chơi thế thôi vậy mà nhìn lên đồng hồ đã quá nửa buổi. Văn minh hiện đại phải là thế chứ! Tội gì mua báo, mua sách về làm gì? Vừa tốn tiền vừa chậm… như rùa. Bây giờ mà còn thế thì quả là “tẩm” quá ! Thanh niên thế hệ A còng @ phải tân kì như thế mới oách !

3. Tôi cũng đã từng vào mạng và cũng đã từng hoa mắt bởi một rừng ngữ liệu đủ loại vun vút chạy qua trên màn hình. Nếu bạn tìm đọc một cuốn từ điển bách khoa như Larousse , hay Weste ' s hay Britanica chẳng hạn (khoảng vài vạn trang), bạn sẽ có cảm giác như đang lênh đênh trên một đại dương không bờ. “Bơi” mãi mà vẫn chỉ thấy bạt ngàn chữ, bạt ngàn tranh ảnh. Cái nào cũng đẹp mê hồn (nhiều minh hoạ được thể hiện bằng video-clip sống động như xem phim vậy).

Và bắt chước cô thư kí nọ, tôi cũng down-load vài chục trang và in ra cho vào ca-táp. Tiện thật đấy. Không cần ra phố, không vào hiệu sách hay thư viện, mất thời gian gửi xe, mất thời gian lục tìm. Kinh tế nhất là không tốn bao nhiêu tiền, vì sách bây giờ đâu có rẻ? Một bộ sách quý đã có thể “xơi” gọn ghẽ cả tháng lương. Chỉ từ phòng ngủ “êm như nhung” của nhà mình là người ta có thể đọc cả thế giới. Một đĩa CD đã đủ sức mang trong mình biết bao tri thức, đưa đi đâu cũng được, không khác gì một “thư viện” di động. Người ta còn đăng kí học qua mạng. Nghe giảng, trả thi, seminar qua mạng. Và nếu cần, bạn cũng có thể nhận chứng chỉ qua mạng. Thật tuyệt vời!

4. Song, một nền văn hoá đọc ẩn chìm trong lòng nhân loại mấy chục thế kỉ đâu có dễ dàng thay thế bằng một màn hình sáng xanh tắt mở? Công nghệ tin học quả là một cuộc cách mạng vĩ đại, một sự biến đổi thần kì của trí tuệ con người. Tuy nhiên, xét cho cùng, tin học cũng chỉ là một công cụ phục vụ đắc lực cho việc truyền thụ tri thức. Việc lưu giữ “tường minh” nhất, hiển hiện nhất, vẫn phải là văn bản. Sự định dạng bằng văn tự giúp người ta lĩnh hội tri thức một cách bài bản và hệ thống: vừa rộng, vừa sâu, vừa chắc chắn.

Đọc sách là một sự cảm nhận bằng mắt. Qua trực giác, con người chuyển tín hiệu vào trí não và ở đây diễn ra một quá trình xử lí hết sức tinh tế. Một bộ phim dù hay đến mấy cũng không thấm sâu bằng cuốn tiểu thuyết cùng tên. Ngữ nghĩa của con chữ hàm súc hơn nhiều.

Đọc sách cho ta thời gian nhẩn nha lựa chọn, suy ngẫm cân nhắc nhiều điều. Có lúc, ta còn phải lật đi lật lại xem kĩ. Những con chữ in rõ ràng trong sách như có hồn vậy. Nó hằn sâu trong tâm tưởng mỗi người và như vậy bao giờ cũng gây ấn tượng hơn con chữ nằm trong máy. Và dù có in ra từ máy văn phòng thì nó vẫn mang dáng dấp là văn bản “tạm thời”, như một bản “nhái”, photocopy, chứ không phải là văn bản xịn , tức là chưa qua công nghệ in offset, đóng xén vào bìa cẩn thận.

Hơn nữa, tri thức trong máy thường mang tính phục vụ nhất thời. Thông tin trong máy phải đáp ứng nhu cầu thực tại, phải cập nhật nhanh. Vì vậy, độ chuẩn xác của những thông tin đó nhiều khi không hẳn đã đảm bảo. Có khi, vì chạy theo thị hiếu “câu khách” mà có rất nhiều tin thiếu chuẩn xác, thậm chí sai lệch hoàn toàn. Các món “mì ăn liền” - fast food - đáp ứng được nhu cầu ăn nhanh, nhưng muốn có một món thật ngon, cầu kì cẩn thận, hấp dẫn thì phải mất công phu chế biến. Dĩ nhiên, không hẳn là tất cả các văn bản lấy từ máy ra đều là thế. Nhiều tờ báo, nhiều cuốn từ điển đã in ra cũng được nạp nguyên văn (cả văn bản và ma-ket) vào máy mà. Nhưng, dù sao cầm một cuốn sách (nhất là từ điển) chắc nặng, bìa cứng, in trên giấy đẹp với nhiều hình ảnh minh hoạ, vẫn tạo cho người sử dụng cảm giác tự tin hơn.

Trong thời đại internet là "thống soái", vẫn có biết bao người yêu sách.



Có những cuốn sách đã được lưu truyền qua hết thế hệ này sang thế hế hệ khác. Và cũng như một thứ “đồ cổ” vậy, sách để lâu càng hiếm, càng quý, càng có giá trị rất nhiều mặt. Giá trị của những trích dẫn trong sách in vẫn tin cậy hơn trích dẫn từ mạng. Trên mạng, do bộ nhớ lưu trữ có hạn, chỉ trong một thời gian nhất định thì người ta bắt buộc phải xoá bớt thông tin trên server (máy chủ) để cập nhật thông tin mới. Trích dẫn từ mạng lúc đó sẽ lấy cái gì làm bằng cớ đây? Có chăng, máy sẽ giúp người “gọi” thông tin kịp thời. Vì cũng một việc tra từ thì nếu gõ vài kí tự rồi nhấn enter sẽ dễ và nhanh hơn nhiều việc “lặn lội” truy tìm từ đó trong một bộ từ điển, có khi dài đến vài chục tập.

5. Vì vậy, những người có nhu cầu đọc thực sự vẫn thích đọc sách in bằng giấy. Văn hoá đọc vẫn có những ưu thế so với văn hoá nghe nhìn, dù rằng công nghệ nghe nhìn rất tiện lợi và phù hợp với nhịp sống hối hả hiện nay.

V. I. Lênin từng nói: “Đọc cũng là một nghệ thuật”. Đúng như vậy, muốn đọc, thích đọc người ta phải có vốn hiểu biết và vốn sống. Và những con chữ bao giờ cũng giúp cho người đọc mở rộng trí tưởng tượng rồi qua đó mà tâm hồn mỗi chúng ta thêm phong phú, sâu sắc hơn rất nhiều. Đọc sách giúp ta có một “độ lùi” cần thiết để chiêm nghiệm. Thực tế, có những cuốn sách ta không chỉ đọc một lần mà phải đọc cả đời người, qua mỗi một thời kì, ta lại lĩnh hội từ cuốn sách tưởng là cũ kia những “thông điệp” mới. Vì chính nhận thức, kinh nghiệm của ta đã “mới hoá” những tri thức từ cuốn sách ấy. Và đọc qua màn hình cũng chỉ là một hình thức phụ trợ, đáp ứng nhu cầu “ăn ngay” của ta mà thôi.

Do việc cập nhật và phổ biến quá dễ nên gần như ai nắm được kĩ năng tin học tốt cũng dễ dàng mở một website riêng và “ném” vào đó đủ thứ mình có. Vì vậy sách in vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường văn hoá phẩm, ngay cả với những nước có công nghệ tin học cao của thế giới, như Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc,... Từ điển Larousse (Pháp) vẫn đều đặn tái bản hàng năm với vài vạn bản một kì. Và cùng với sách, bạn vẫn có thể mua kèm đĩa CD để có thể tận dụng khai thác tối đa tính năng tra cứu. Ta còn nhớ những năm vừa rồi, bao nhiêu người phải xếp hàng rồng rắn để mua cho bằng được bộ Harry Potter (bộ sách truyện thiếu nhi của nhà văn J. K. Rowling) mới phát hành. Cách đây vài năm, người dân Đan Mạch và cả thế giới vừa kỉ niệm 200 năm sinh của nhà văn nổi tiếng H. C. Andersen (2.4.1805 - 2.4.2005) mà những cuốn truyện cổ tích “hay tới mức kì lạ” của ông đã được dịch và in gần như bằng tất cả mọi thứ tiếng trên thế giới. Sách in vẫn là sản phẩm trí tuệ tuyệt vời nhất của nhân loại và nó vẫn giữ một vị trí xứng đáng trong mọi nền văn hoá đọc trên khắp thế giới.

Nguồn: Thuvien.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng xem nhiều nhất :